Trong thai kỳ, tình trạng ngứa có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể mẹ bầu. Theo đó, có những phụ nữ bị ngứa vùng kín, lòng bàn tay hoặc chân nhưng cũng có mẹ ngứa cả người, hậu môn hay âm đạo, thậm chí còn kèm theo một vài dấu hiệu như mụn, sốt,...
Thông thường, mẹ bầu bị ngứa là do sự gia tăng của các hormone estrogen và sự co giãn của các vùng da ngực, bụng, đùi (hay còn gọi là rạn da) khiến cơ thể cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
Theo đó, tình trạng này sẽ nặng hơn ở những mẹ bầu bị da khô hay dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, hiện tượng này không quá nguy hiểm và sẽ biến mất khi mẹ bầu sinh xong. Thế nhưng, trong một số trường hợp ngứa khi mang thai còn là dấu hiệu "cảnh báo" một số bệnh nguy hiểm. Do vậy, khi bị ngứa kéo dài hay xuất hiện một số biểu hiện bất thường thì mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị hợp lý.
Ngứa do ứ mật thai kỳ
Ngứa khi mang thai có thể liên quan tới gan mật, trong đó điển hình là chứng ứ mật thai kỳ. Theo đó, hiện tượng này xảy ra là do dịch mật không thể chuyển xuống đường ruột để tiêu hóa chất béo, vitamin mà ứ lại trong gan, sau đó ngấm vào máu và gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Thông thường, khi bị ứ mật sẽ gây ngứa và đỏ lòng bàn tay, lòng bàn chân, thậm chí xuất hiện ở bụng và đùi. Đồng thời, vàng da, nước tiểu sẫm màu và phân bạc màu cũng là dấu hiệu của ứ mật.
Ngoài ra, hiện tượng ngứa này thường không có nguyên nhân và diễn ra không thường xuyên. Theo đó, có khi mẹ bầu đã thấy đỡ nhưng có thể bị lại vào vài ngày sau đó, thậm chí tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ứ mật lại không gây hại nhiều cho mẹ bầu ngoài việc bị ngứa ngáy, khó chịu, chảy máu và xước da do gãi nhiều. Thế nhưng, bệnh lý này lại gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như: Sinh non, chảy máu não, nhiễm trùng nước ối, thai nhi chậm phát triển, thai chết lưu, thậm chí tử vong sau sinh.
Bệnh sẩn ngứa
Khi bị sẩn ngứa, mẹ bầu sẽ xuất hiện một số triệu chứng như nổi những nốt tròn cỡ hạt đậu, nhô lên và hơi cứng. Theo đó, những nốt ngứa này có thể xuất hiện trên khắp cơ thể, gây cảm giác ngứa, nóng rát và sốt. Tuy bệnh sẽ tự khỏi sau sinh nhưng nếu không được chăm sóc hợp lý thì sẽ rất dễ thành bệnh mãn tính cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì mẹ bầu nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế ăn đồ cay nóng để nhanh chóng khỏi bệnh.
Ngứa do nhiễm trùng vùng kín
Ngứa vùng kín là một trong những tình trạng thường gặp khi mang thai. Thông thường, hiện tượng này xuất hiện do độ pH trong âm đạo thay đổi, gây cảm giác khô và ngứa. Theo đó, nếu hiện tượng ngứa đi kèm với cảm giác nóng rát vùng kín thì mẹ bầu có thể bị viêm nhiễm vùng kín do vi khuẩn và nấm. Đồng thời, mẹ bầu cần điều trị sớm hiện tượng này nếu không vi khuẩn có thể lan xuống cổ tử cung và gây hại cho thai nhi.
Ngứa do một số bệnh lý ngoài da
Khi mắc một số bệnh ngoài da như chàm, vảy nến,... thì mẹ bầu cũng có thể bị ngứa ngáy và khó chịu. Đồng thời, khi bị các bệnh này, mẹ bầu còn thấy các vết sưng đỏ, da bị bong tróc, nứt, khô, thậm chí là chảy máu. Bên cạnh đó, những bệnh này sẽ rất khó trị dứt điểm vì khi mang thai không được dùng thuốc. Do vậy, cách tốt nhất là mẹ bầu nên đi tham khám bác sĩ da liễu để có phương pháp điều trị hợp lý nhất cũng như cần có một chế độ ăn uống khoa học.