Nhà họ Vương có hai anh em trai. Khi Vương còn nhỏ, gia cảnh rất khó khăn, hai anh em trai chỉ cách nhau một tuổi nên mẹ họ phải ở nhà chăm sóc con, còn bố thì vất vả làm việc nuôi sống cả nhà một mình. Con trai cả của nhà họ Vương thấy bố mẹ vất vả nên từ nhỏ đã luôn hiểu chuyện, thường giúp mẹ làm một số công việc đồng áng và chăm em trai. Thế nhưng người con trai út thì lại ngược lại. Chính vì lúc nào cũng được mẹ và anh bao bọc, chăm sóc chu đáo nên đã sinh ra tính cách hoàn toàn khác biệt.
Về sau, gia đình nhà họ Vương trở nên khấm khá hơn, người con trai này càng được chiều chuộng. Dù là bất kỳ chuyện gì trong nhà anh cũng không phải động tay, được người thân phục vụ tân nơi. Dần dần, anh Vương sinh tính lười biếng, chỉ biết ngồi hưởng thụ và chưa bao giờ phải nỗ lực bất kỳ chuyện gì. Ngay cả khi đã học xong và ra đời, anh cũng không cần đi làm vì đã có bố mẹ và anh trai lo cho.
Bây giờ cả hai anh em đều đã gần 40 tuổi, người anh đã tự nỗ lực mua được nhà lầu, xe hơi, cưới vợ, có gia đình riêng, còn người em vẫn ở một mình, không nhà không vợ. Dần dần, cha mẹ họ cũng bắt đầu thấy không ổn và hy vọng cậu út có thể tự lực cánh sinh, sợ sau này khi mình qua đời thì sẽ không ai lo cho con nữa. Anh trai sau đó nhờ người thu xếp cho em trai một công việc trong nhà máy khá nhẹ nhàng và chế độ tốt. Thế nhưng anh Vương ngày nào cũng đi làm muộn, lúc nào cũng chểnh mảng công việc. Anh thậm chí không chấp hành các quy định của nhà máy, lén đi uống rượu trong khi làm việc và chẳng mấy chốc bị sa thải.
Hiện tại, ở độ tuổi đã sắp trung niên, anh Vương vẫn như một đứa trẻ chưa lớn về mọi mặt. Trước tình cảnh đó, cha mẹ và anh trai anh đều nhất quyết không giúp đỡ vì họ biết rằng nếu không cho anh biết áp lực cuộc sống bên ngoài như thế nào, anh sẽ vĩnh viễn không thể trưởng thành. Đỉnh điểm là việc cha mẹ đã đuổi anh ra khỏi nhà. Anh Vương hoàn toàn gục ngã, chỉ biết khóc lóc nói: "Vậy thì ai sẽ nuôi con đây?".
Những câu chuyện như của anh Vương thực tế không phải hề hiếm trong xã hội, khi có những bậc cha mẹ vì quá "thương" con mà thành ra hại con.
Năm 2014, một người đàn ông ở Hồ Nam, Trung Quốc tên Khuông Triết Hiên từng tuyên bố sẽ kiện bố vì không chịu nuôi nấng mình tiếp. Anh bị bố đuổi ra khỏi nhà khi đã 29 tuổi mà vẫn không có việc làm hay khả năng sống tự lập.
Khuông Triết Hiên còn lên truyền hình yêu cầu sửa luật để những cha mẹ có khả năng nuôi con phải có nghĩa vụ nuôi, chăm sóc con cái đến hết đời. Người bố của anh lúc đó vô cùng đau lòng nhưng cũng phải thừa nhận việc anh Khuông trở thành người với tư tưởng như vậy cũng một phần lớn do chính mình và vợ đã dạy con sai cách.
Vì cho rằng con sẽ bị thiệt thòi nếu không được sống đầy đủ vật chất hay được chăm sóc chu đáo nên nhiều ông bố bà mẹ ra sức yêu thương con một cách cực đoan. Việc để con miễn nhiễm với khó khăn bên ngoài sẽ khiến đứa trẻ không có kinh nghiệm sống, kỹ năng sống và hình thành tính cách lười biếng, ỷ lại và sau đó là thất bại mọi mặt trong cuộc sống. Đến khi cha mẹ tỉnh ngộ, nhận ra vấn đề thì cũng thường là khi đã quá muộn.