Bệnh tiêu chảy bùng phát sau mưa lũ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa là gì?
Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Bệnh đường ruột hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ, lụt là bệnh tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy cấp tính.
19/10/2022 14:38
Tình hình mưa bão gần đây ở nước ta diễn biến phức tạp, làm cho các hộ gia đình chịu nhiều thiệt hại. Nhiều nơi nước ngập "dị thường", có thể kể đến như là tình trạng mưa lụt lịch sử tại Đà Nẵng, làm người dân từ bất ngờ chuyển sang bất lực. Sau mưa bão, lũ lụt người dân còn đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, chúng ta cần chủ động phòng tránh để đảm bảo sức khỏe cho người thân và chính bản thân mình.
1. Tiêu chảy là gì?
Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Bệnh tiêu chảy được phân chia 4 cấp độ khác nhau, trong đó có tiêu chảy cấp tính loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy?
Thứ nhất, do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn chiếm vị trí hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy cấp tính là vi khuẩn tả (Vibrio cholera). Ở những vùng, miền xảy ra mưa, lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Ngoài ra còn do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy.
Thứ hai, do vi rút gây ra, một trong các loại vi rút gây tiêu chảy có thể gặp trong mùa mưa, lũ, lụt là Rotavirus.
Thứ ba, do ký sinh trùng amíp (gây bệnh lỵ amíp) cùng các loại giun sán là tác nhân gây bệnh.
Nhìn chung, do ở các vùng miền sau mưa lụt bị ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường sống của người dân. Nguồn thực phẩm không đảm bảo hợp vệ sinh. Nhất là nguồn nước sẽ có thể nhiễm bẩn, chúng có thể chứa nhiều vi sinh vật có hại khôn lường nếu dùng để ăn uống, sinh hoạt.
3. Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy là một rối loạn tiêu hóa phổ biến, mỗi người có thể gặp phải ít nhất vài lần mỗi năm. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần điều trị sớm nếu xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy:
- Đầy bụng, sôi bụng;
- Tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: phân toàn nước đục như nước vo gạo)
- Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt;
- Người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.
4. Biện pháp ngăn chặn, phòng tránh bệnh sau mưa lụt
Trước hết cần lưu tâm đến việc vệ sinh môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Các vùng, miền chưa có nước máy thì cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi, sát trùng bằng cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở.
Cần đảm bảo nguyên tắc "Ăn chín, uống chín"-an toàn thực phẩm.
Cố gắng quản lý tốt chất thải, đặc biệt là các loại chất thải như phân, nước tiểu, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện không cho mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh.
Những ao tù, nước đọng cần được khơi thông. Phát động mọi người dân tự giác vệ sinh trong từng gia đình, từng ngõ xóm làm sao để cho môi trường sống phong quang, sạch sẽ nhằm hạn chế đến mức tối đa mầm bệnh phát triển.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.