Cách đây 4 ngày, Nhật Anh, 18 tuổi, sống tại Khâm Thiêm (Hà Nội) bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt. Sau khi đi xét nghiệm máu, cậu được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
3 ngày đầu tình trạng còn nhẹ, Nhật Anh tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sang ngày thứ tư của bệnh, cậu không ăn, không uống được, người mệt lả phải vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa để điều trị.
"Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tiền sốc, huyết áp tụt, mệt nhiều. Hiện tại xét nghiệm cho thấy tình trạng máu cô đặc, tiểu cầu giảm xuống thấp. Ngay sau khi nhập viện chúng tôi phải ngay lập tức truyền dịch để chống tình trạng máu cô đặc và giúp tăng huyết áp", ThS.BS Hà Huy Tình - Phó trưởng Khoa Các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chia sẻ.
Bị sốt xuất huyết "vật", từ một sinh viên trẻ khỏe, hiện tại Nhật Anh nằm li bì trên giường bệnh, đi lại phải có người dìu.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, chỉ tính riêng trong tháng 9 đã có 179 ca bệnh sốt xuất huyết phải điều trị nội trú. Giai đoạn cao điểm, mỗi ngày có đến 18 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị.
Ở thời điểm hiện tại, Khoa Các bệnh Nhiệt đới đang theo dõi, điều trị cho 51 bệnh nhân sốt xuất huyết. Ngoài ra còn có hơn 30 bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác như Covid-19, viêm gan, HIV, cúm đang điều trị tại cơ sở này.
Các bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị nội trú đều ở trong tình trạng nặng: sốt cao liên tục không đỡ, ăn uống kém, có các dấu hiệu cảnh báo.
Nằm trên giường bệnh, ông An (tên bệnh nhân đã được thay đổi), 52 tuổi, sống tại Mỹ Đức toàn thân và tròng mắt đỏ như gấc vì sốt xuất huyết.
"Tôi bị sốt từ thứ 6, nửa đêm hôm qua bắt đầu đau ở ngực, bụng, nuốt nước bọt cũng đau nên vào bệnh viện ở huyện để khám, sau đó được chẩn đoán sốt xuất huyết và chuyển sang đây", ông An nói với giọng khản đặc.
Người nhà ông An cho biết, trong thôn không có dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ngay thôn bên cạnh là ổ dịch.
Là cơ sở đầu ngành về truyền nhiễm của Hà Nội, tình trạng "dịch chồng dịch" đang tạo áp lực lớn cho lực lượng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Từ đầu năm đến nay, Khoa Các bệnh Truyền nhiễm đã phải kê thêm giường bệnh, để đáp ứng với lượng bệnh nhân quá đông.
Hiện tại, khoa có 7 bác sĩ và 16 điều dưỡng. Tuy nhiên, khoảng một nửa nhân lực được chia ra cho phòng khám.
Tại khu vực điều trị nội trú có thể cảm nhận rõ "sức nóng" qua những bước chân gấp gáp của lực lượng điều trị. Với số lượng bệnh nhân hiện tại, mỗi bác sĩ phải theo dõi, điều trị cho 20 - 30 ca.
Trong khi đó, mỗi điều dưỡng của khoa phải chăm sóc cho khoảng 10 bệnh nhân, với hàng tá các đầu việc.
Từ tháng 7 đến nay, tại Hà Nội chứng kiến đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, với số ca mắc mới theo tuần tăng dựng đứng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, chỉ trong một tuần vừa qua, Thủ đô đã có thêm 1.034 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận/huyện/thị xã; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Đan Phượng (137), Thường Tín (78), Thanh Oai (70), Nam Từ Liêm (61). Hiện trên địa bàn Hà Nội có 147 ổ dịch đang hoạt động, tại 24 quận, huyện.
Cộng dồn trong năm 2022, Hà Nội đã ghi nhận 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, 5 trường hợp tử vong; số ca mắc tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.