Chế độ chăm sóc và điều trị khi trẻ bị sởi
Hiện tại, bệnh sởi không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng. Lưu ý không sử dụng corticoid khi chưa loại trừ sởi.
Điều trị hỗ trợ:
- Vệ sinh da, mắt, miệng họng: Hàng ngày. Tuy nhiên không sử dụng các chế phẩm có corticoid.
-Tăng cường dinh dưỡng: Cần thực hiện chế độ ăn đa dạng, phong phú, không nên kiêng khem, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng. Nên chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu và khi ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ.
Nếu trẻ còn bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú, kết hợp với chế độ ăn dặm hợp lý. Trẻ lớn cần đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, hoa quả chứa nhiều vitamin A
Trong trường hợp trẻ bị biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi cần bổ sung kẽm bằng đường uống.
- Hạ sốt:
+ Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát.
+ Dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt cao ≥ 38,5 độ.
- Bồi phụ nước, điện giải qua đường uống.
-Bổ sung vitamin A:
+ Trẻ dưới 6 tháng: Uống 50.000 đơn vị/ngày trong 2 ngày liên tiếp.
+ Trẻ từ 6 đến 12 tháng: Uống 100.000 đơn vị/ngày trong 2 ngày liên tiếp.
+ Trẻ trên 12 tháng và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ngày trong 2 ngày liên tiếp. Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên sau 4 đến 6 tuần
Phòng ngừa bệnh sởi
Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin
Tiêm vacxin là biện pháp phòng sởi an toàn nhất.
Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo chương trình Tiêm chủng quốc gia, cụ thể: Mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.
Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
Cách ly trẻ bị bệnh sởi
Trẻ mắc bệnh sởi phải được cách ly tại nhà hoặc cơ sở y tế theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh lây truyền qua được hô hấp, bao gồm:
- Đeo khẩu trang cho người bệnh, người chăm sóc và nhân viên y tế.
- Hạn chế việc tiếp xúc không cần thiết của nhân viên y tế và người nhà đối với người bệnh.
- Thời gian cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện ban.
Vệ sinh cá nhân và môi trường
- Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
- Tránh tối đa việc dụi mắt, mũi.
- Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.
- Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.