Hiểu hơn về vị giác của trẻ em
GS.BS. Cornwell cho biết 5 đặc điểm về vị giác của trẻ như sau:
Bé có nhiều gai vị giác hơn người lớn, do đó rất nhạy cảm với vị ngọt, mặn và đắng. Ví dụ: Cảm giác mằn mặn (vừa vừa) trên đầu lưỡi của bạn là rất mặn đối với bé.
Cháo, cơm nếu bé ngậm lâu thường có vị ngọt, làm bé thích ngậm hơn. Tuy nhiên thói quen này lâu ngày sẽ làm rối loạn vị giác của bé. Do đó, bé sẽ từ chối, không ăn nữa. Nên khuyến khích bé nhả ra khi bé ngậm quá lâu và bạn sẽ đút thìa khác cho bé.
Thìa cơm tiếp theo sẽ làm bé ăn nhanh hơn. Các bé ăn cháo quá lâu (cha mẹ chưa chuyển cấu trúc cho bé theo độ tuổi) cũng gặp tình trạng tương tự.
Giới thiệu trái cây ngọt, bánh quy, bánh snack, chocolate nhiều và thường xuyên cũng làm bé không chấp nhận vị cơ bản của thịt, cá và rau củ. Do đó, các bé cũng hay từ chối những món này.
Vị giác bé thay đổi mỗi ngày, thậm chí có thể thay đổi trong mỗi bữa ăn. Ví dụ: Bé có thể không ăn rau buổi sáng nhưng chiều có thể chấp nhận ăn một ít đậu que hoặc đậu hà lan. Do đó, cha mẹ nên kiên nhẫn giới thiệu lặp lại các món bé không thích.
Vị giác cần phải học để thích nghi dần. Do đó, không nên thấy bé không ăn được rau thì cho bé ăn trái cây thay thế vì nghĩ trái cây cũng cung cấp chất xơ.
Trái cây có 2 vị chủ đạo là ngọt và chua còn rau có vị đắng (đắng nhẹ hay đắng nhiều thì tùy thuộc vào loại rau củ, nhưng chủ đạo vẫn là vị đắng). Việc cho ăn món khác thay thế là tự cha mẹ không cho bé cơ hội học hỏi vị giác mà bé cần phải học hỏi.
Vị giác khó thay đổi hơn khi bé 4 tuổi. Nếu bé không có nhiều cơ hội học và làm quen với 5 loại vị giác thì sau 4 tuổi, các bé thường có xu hướng chỉ ăn một loại nào đó, và trở nên rất kén và biếng ăn.
Cách phối hợp vị giác để bé ăn ngon miệng
Nếu bé thường từ chối một món ăn hay một vị nào đó, cha mẹ có thể làm 2 điều sau:
Thứ nhất, kiên nhẫn lặp lại (từ 1 – 2 ngày) món ăn đó.
Thứ hai, phối hợp lại vị giác cho thức ăn của bé theo cách:
Nếu bé từ chối ăn thịt, cá, bữa ăn nên tách các thực phẩm này ra khỏi cháo hoặc cơm (cha mẹ thường xay nhuyễn hoặc xé chà bông cho vào cháo, cơm cho bé ăn). Cách tốt hơn là kết hợp chất đạm với rau xanh hoặc củ sẽ làm bé dễ chấp nhận hơn cho vào cháo cơm.
Nếu bé từ chối rau củ, trong bữa ăn không nên có trái cây (trừ trái cây có vị chua như kiwi, cam, bưởi). Trái cây có thể ăn sau bữa ăn 30 phút. Đặc biệt lưu ý, không bao giờ cho bé ăn dưa hấu trong bữa ăn với các loại thực phẩm khác vì sẽ tạo cảm giác khó chịu trong tiêu hóa do đường trong dưa hấu không được hấp thu hoàn toàn.
Có thể chọn rau có lá mỏng, ít gân lá, có thể xay nhuyễn trộn với thịt cá chiên giòn cho bé bốc ăn. Hoặc có thể làm dạng xiên que như kiwi – bông cải xanh – miếng cá chiên – trái bơ – cà chua bi (lấy hết hạt). Hoặc tạo một món ăn lạ và dễ thương đối với bé lớn hơn 1 tuổi.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy dẫn bé đi siêu thị để bé biết thịt, cá như thế nào, rau củ như thế nào. Các bé được cho biết như vậy thường sẽ cải thiện chứng biếng ăn. Khi cho ăn, cha mẹ có thể ăn thử cho bé xem, chỉ cách ăn và khuyến khích bé ăn thật ngon miệng.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Khoa dinh dưỡng Nhi Bệnh viện hoàn gia Wocester (Vương quốc Anh)