Bệnh sa trực tràng thường bị nhầm lẫn với bệnh trĩ do ở giai đoạn đầu thì hai bệnh này có biểu hiện tương đối giống nhau. Do đó, để tránh nhầm lẫn và có phương pháp điều trị phù hợp thì chúng ta cần phân biệt một cách chính xác hai loại bệnh này.
1. Bệnh sa trực tràng là gì?
Sa trực tràng thường xuất hiện khi phần thấp nhất của ruột già (trực tràng) bóc tách khỏi vị trí bình thường của nó và đi trượt ra ngoài lỗ cơ ở cuối đường tiêu hóa (hậu môn). Tình trạng bệnh thường được phân thành ba loại dựa trên sự di chuyển của trực tràng:
- Trực tràng sa nội thành: là giai đoạn trực tràng bắt đầu rơi ra khỏi vị trí của nó nhưng vẫn chưa đi xuống hậu môn.
- Sa trực tràng một phần: lúc này chỉ một phần của trực tràng đã di chuyển qua hậu môn.
- Sa trực tràng hoàn toàn: Toàn bộ trực tràng đều rơi qua hậu môn.
Những đối tượng nào dễ mắc sa trực tràng?
Người lớn tuổi thường là đối tượng dễ mắc sa trực tràng nhất, bệnh này nữ giới cũng mắc nhiều hơn nam giới. Độ tuổi mắc bệnh cũng không giống nhau ở từng giới. Phần lớn phụ nữ mắc sa trực tràng ở độ tuổi từ 50 trở lên, trong khi độ tuổi ở nam giới thường là 40 hoặc trẻ hơn. Thêm vào đó, các phụ nữ lớn tuổi dễ bị sa trực tràng cùng lúc với sa tử cung hoặc sa bàng quang do sự suy yếu của các cơ sàn chậu.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến sa trực tràng?
Thực chất, chưa có tài liệu nào chắc chắn rằng những nguyên nhân nào dễ gây ra sa trực tràng. Tuy nhiên, người ta đã tìm ra một số khiếm khuyết về cấu trúc cũng như các yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng tình trạng bệnh.
* Khiếm khuyết cấu trúc
Ở người lớn, một số khiếm khuyết ở vùng chậu là nguyên nhân của bệnh như: trực tràng di động hơn bình thường hoặc tình trạng suy yếu cơ sàn chậu hoặc các cơ thắt ở hậu môn.
Còn đối với trẻ em, sự khác biệt trong cấu trúc của trực tràng như: không uốn cong như bình thường mà nằm ở vị trí thẳng đứng sẽ làm tăng nguy cơ trực tràng bị sa ra ngoài.
Yếu tố nguy cơ:
- Táo bón hoặc tiêu chảy thường xuyên ở người cao tuổi.
- Sinh đẻ nhiều, phẫu thuật vùng chậu ở phụ nữ.
- Chấn thương hoặc phẫu thuật vùng lưng hay các chấn thương ở tủy sống.
- Tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Nhiễm ký sinh trùng ở đường ruột.
3. Những dấu hiệu sa trực tràng thường gặp
Các triệu chứng sẽ xuất hiện và thay đổi theo diễn tiến của bệnh, thường bao gồm các biểu hiện như:
- Đau ở hậu môn và trực tràng.
- Có một khối thịt màu đỏ sa ra ngoài hậu môn. Tình trạng này có thể chỉ xảy ra trong hoặc sau khi đi tiêu và được xem là dấu hiệu tạm thời. Tuy nhiên, trực tràng có thể bị sa chỉ với hoạt động đứng lên hoặc đi lại bình thường theo thời gian và có thể cần phải dùng tay để đẩy ngược khối thịt lên hậu môn.
- Máu chảy ra từ niêm mạc bên trong trực tràng.
- Đi tiêu không tự chủ (máu, chất nhầy hoặc phân rò rỉ ra hậu môn).
Khi các tình trạng trên kéo dài mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, chúng có thể sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Loét trực tràng gây chảy máu nặng.
- Cơ thắt và các dây thần kinh bị tổn thương, làm nặng hơn tình trạng đi tiêu không tự chủ.
- Trực tràng sa nghẹt (sa trực tràng không thể dùng tay để đẩy ngược vào hậu môn). Đây được xem là các trường hợp khẩn cấp vì phần ruột có thể bị kẹt, lâu dần thiếu máu nuôi tế bào dẫn đến hoại tử. Lúc này, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất nhanh chóng để được khám và chữa trị kịp thời, phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng huyết, suy cơ quan, sốc,…
4. Sa trực tràng có phải là tên gọi khác của bệnh Trĩ?
Dù bệnh trĩ cũng có triệu chứng là: gây ngứa, đau hậu môn, chảy máu và gây khó chịu khi đi tiêu, nhưng bản chất của trĩ là các mạch máu bị sưng lên ở vùng hậu môn và trực tràng.
Trong khi đó, bệnh sa trực tràng là sự trượt của đoạn cuối ruột già ra khỏi hậu môn. Tuy nhiên, bệnh sa trực tràng ở giai đoạn sớm có thể trông khá giống bệnh trĩ nội đã tuột ra khỏi hậu môn, điều này dễ gây khó khăn cho việc phân biệt.
5. Vậy phải chẩn đoán bệnh thông qua hình ảnh sa trực tràng?
Các bác sĩ đầu tiên sẽ xem xét kỹ lưỡng các triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ gây bệnh ở bệnh nhân. Sau đó, họ sẽ tiến hành thăm khám với các biện pháp như:
- Trực tiếp quan sát vào vùng hậu môn trực tràng, từ đó đánh giá các tổn thương có thể thấy được bên ngoài.
- Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay được đeo găng và được bôi trơn bằng gel vào trực tràng với mục đích để kiểm tra các tổn thương nằm khuất ở bên trong không nhìn bằng mắt thường được. Mặc dù người bệnh có thể cảm thấy khó chịu và bối rối khi đi khám lần đầu tiên, nhưng chúng rất quan trọng trong việc giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Một số xét nghiệm khác có thể sẽ được yêu cầu thực hiện để làm rõ chẩn đoán ban đầu hoặc loại trừ các bệnh lý khác như:
Nội soi trực tràng/ nội soi đại tràng: Một chiếc ống nội soi sẽ được đưa vào trong lòng ruột để quan sát kỹ hơn các tổn thương không thấy được qua thăm khám bên ngoài. Nội soi cũng giúp bác sĩ thực hiện chẩn đoán bằng sinh thiết khi cần.
- Proctography: là phương pháp sử dụng tia X tạo ra một video ghi lại hoạt động diễn ra bên trong trực tràng. Cách này thường dùng để đánh giá chức năng và quan sát được những thay đổi cấu trúc trong trực tràng và hậu môn của bệnh nhân.
- Siêu âm bằng nội soi: giúp đánh giá hình dạng và cấu trúc của cơ thắt hậu môn cũng như các mô xung quanh chúng.
6. Điều trị sa trực tràng bằng phẫu thuật
Trong một vài trường hợp nhẹ, việc điều trị có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn là yếu tố quyết định khỏi bệnh trong điều trị sa trực tràng.
Có hai con đường tiếp cận để phẫu thuật phổ biến là qua ngã bụng và qua ngã trực tràng. Mỗi cách sẽ có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau mục đích là để cố định lại trực tràng. Chúng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Mức độ sa trực tràng.
- Độ tuổi của bệnh nhân.
- Kết quả khám và các xét nghiệm liên quan.
- Các vấn đề sức khỏe hiện tại của bệnh nhân.
- Kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật với các kỹ thuật nhất định tại bệnh viện.
* Phẫu thuật qua ngã bụng:
- Thường được áp dụng ở đối tượng người trẻ tuổi khỏe mạnh.
- Trước tiên, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một đường trên bụng và thực hiện các thao tác điều trị bắt đầu từ vùng này.
* Phẫu thuật qua ngã trực tràng:
- Thường được áp dụng cho đối tượng người cao tuổi và ở những bệnh nhân có nhiều vấn đề sức khỏe khác.
- Bác sĩ sẽ gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng thay vì gây mê toàn thân.
7. Một số lưu ý khi mắc bệnh sa trực tràng
Tin vui là phần lớn các bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị bệnh sa trực tràng và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Thời gian trung bình để nằm viện phẫu thuật khoảng 2 - 3 ngày và thay đổi tùy theo sức khỏe của từng bệnh nhân. Để phục hồi hoàn toàn có thể phải cần đến một tháng. Để làm giảm nguy cơ tái phát bệnh, người bệnh nên hạn chế làm việc nặng trong ít nhất là 6 tháng, và nên có một chế độ ăn uống lành mạnh nhằm ngăn ngừa nguy cơ táo bón:
- Ăn uống thực phẩm giàu chất xơ.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Dùng các chất làm mềm phân (nếu cần thiết).
Cách ngăn ngừa nguy cơ sa trực tràng:
Những thay đổi tích cực trong lối sống có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng, ví dụ như:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Uống 2 lít nước mỗi ngày.
- Tránh rặn quá mạnh khi đi tiêu.
Bệnh sa trực tràng là loại bệnh lý không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, để tránh mắc phải bệnh, chúng ta nên rèn luyện một lối sống lành mạnh, hợp lý. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao, tốt nhất nên đi thăm khám khi nhận thấy những dấu hiệu khác thường của cơ thể để điều trị càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng về sau.