Tại Hội nghị về giảm thời gian chờ khám và cải thiện NVS bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều phát biểu về vấn đề NVS bẩn ở các bệnh viện, nhất là ở các bệnh viện công – nơi số lượng bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải. Đáng chú ý nhất là phát biểu: “Nhà vệ sinh bẩn tức là giám đốc (bệnh viện) bẩn, trưởng khoa bẩn!” được dư luận đặc biệt quan tâm.
"Dù hơi cũ nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh!"
Sau phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế, phóng viên Phụ nữ sức khỏe đã đi khảo sát ở một số NVS công cộng tại các bệnh viện trong khu vực nội thành TP.HCM.
Có mặt tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), chúng tôi ghi nhận NVS ở khu công cộng thuộc khoa Sản của bệnh viện này tương đối sạch sẽ, nền nhà khô thoáng, được chia thành khu vệ sinh dành cho nam và nữ riêng biệt.
Bước ra từ NVS, bà Nguyễn Thị Thanh Dung (51 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Tôi đi khám bệnh ở đây thường xuyên và thấy nhà vệ sinh ở đây tương đối sạch sẽ. Đây là bệnh viện công, bệnh nhân thì đông nên giữ được NVS như thế này là quá tốt rồi!”
Đứng quan sát chừng 20 phút, chúng tôi ghi nhận nhiều lượt người bệnh ra vào NVS. Sau vài lượt như vậy sẽ có nhân viên vệ sinh làm công tác lau chùi nên khu NVS không có mùi hôi hay nhớp nháp. Đây là điều đáng mừng cho thực trạng NVS bệnh viện công nhiều năm qua.
Tiếp đó, chúng tôi lại có mặt tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (quận Tân Bình). Đây là bệnh viện có lịch sử xây dựng khá lâu, khu vực NVS hơi cũ nhưng vẫn đảm bảo sạch sẽ. Bệnh viện này có nhiều khoa, mỗi khoa, mỗi phòng bệnh đều có NVS riêng. Tiến đến NVS gần bên khu vực bệnh nhân đăng kí khám chữa bệnh, chúng tôi ghi nhận nền NVS khô, sạch, có thảm chùi chân, khu bồn cầu có giấy và thùng rác, có lavabo và gương. Ngoài ra, bệnh viện còn có khu vực dành riêng cho người tàn tật.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nga (31 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “So với các bệnh viện khác trong thành phố thì tôi thấy nhà vệ sinh bệnh viện ở đây khá sạch sẽ. Dù hơi cũ nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh”.
Tương tự, ông Trần Văn Thời (52 tuổi, quê Kiên Giang) cũng nói rằng bệnh viện này có 2 nhà vệ sinh cho người thân và bệnh nhân nhưng cái nào cũng khá sạch, không nhếch nhác như nhiều bệnh viện mà ông từng đến.
“Bệnh viện cố gắng thôi chưa đủ!”
Cũng tại Hội nghị về giảm thời gian chờ khám và cải thiện NVS bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Bên cạnh chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thì tỷ lệ không hài lòng về NVS bệnh viện là nhiều nhất. Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 19% nhà vệ sinh bệnh viện trên toàn quốc chưa đạt yêu cầu”.
Bước chân vào bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, ngay từ cổng cho đến các khoa khám, phòng lưu bệnh, phòng bệnh, tất cả đều đông đúc. Bệnh nhân và người nhà chen chúc đăng kí khám bệnh, ngồi chờ la liệt khắp các nơi trong bệnh viện. Tại đây, hệ thống NVS công cộng mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của bệnh nhân và người nhà.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong 5 phút có hàng chục lượt người có nhu cầu dùng NVS. Vậy nên, dù được lao công quét dọn nhưng sàn NVS bệnh viện luôn trong tình trạng ướt, ẩm thấp, các bồn tiểu của nhà vệ sinh nam nặng mùi; nhà tắm, bồn cầu khá bẩn.
Tham khảo về chất lượng của NVS, nhiều người cho rằng nhà vệ sinh công cộng bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã cũ cộng với lượng người sử dụng thường xuyên quá tải và ý thức của một bộ phận người sử dụng còn kém nên tình trạng bẩn và mùi hôi vẫn tồn tại.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Anh (60 tuổi, quê Ninh Thuận) cho biết: “Tôi ở đây chăm cháu trai mấy tuần rồi, tôi thấy NVS bệnh viện với số lượng người bệnh lẫn người nhà đông như thế này thì tạm chấp nhận được rồi. Ở đây, nhân viên vệ sinh quét dọn liên tục mới được như vậy. Theo tôi, bệnh viện cố gắng thôi chưa đủ, cần có ý thức của mỗi người bệnh và người nhà chăm bệnh nữa!”
Việc cải thiện chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện không phải là một sớm một chiều nhưng từ phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh viện cũng đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng nhà vệ sinh, để phục vụ tốt nhất nhu cầu của bệnh nhân và người nhà.
Trao đổi với chúng tôi, ThS.BSCK2 Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết việc đảm bảo nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân đạt về cả số lượng và chất lượng luôn là công tác được bệnh viện quan tâm. Dù có nhiều hạn chế khách quan về diện tích sử dụng và cơ sở vật chất so với số lượng trung bình 3000 - 4000 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Thế nên, trong năm 2017, bệnh viện đã đưa khu 47 Nguyễn Huy Lượng vào hoạt động với nhiều nhà vệ sinh khang trang, đồng thời sửa chữa, nâng cấp khu vệ sinh ở phòng khám cũ.
“Việc này đã cải thiện rất nhiều về công tác vệ sinh phục vụ bệnh nhân. Thách thức hiện nay đối với bệnh viện là việc bệnh nhân tập trung rất nhiều vào sáng sớm (ngoài giờ hành chính) và giờ khám buổi sáng. Để đáp ứng sự quá tải cục bộ này, bệnh viện đã yêu cầu công ty vệ sinh đang hợp đồng với bệnh viện tăng cường nhân viên vệ sinh để luôn thường trực và xử lý kịp thời ở các khu trọng điểm, đồng thời yêu cầu các nhân viên vệ sinh tăng cường số lần vệ sinh trong ngày trên toàn bệnh viện”, bác sĩ Tuấn cho hay.
Ông Tuấn cũng cam kết sẽ tăng cường giám sát công tác vệ sinh, triển khai kế hoạch nâng cấp khu khám bệnh khu B (số 3 Nơ Trang Long), tăng cường hẹn bệnh nhân khám vào buổi chiều; triển khai các hoạt động hỗ trợ đồng bộ để giảm tải bệnh nhân đến khám vào buổi sáng.
“Trong năm 2019, cơ sở 2 hiện đại, khang trang của Bệnh viện Ung Bướu tại quận 9 đi vào hoạt động chắc chắn sẽ giúp giảm tải tại cơ sở Bình Thạnh, tạo điều kiện cho Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM phục vụ bệnh nhân tốt hơn về mọi mặt, trong đó có công tác phục vụ nhà vệ sinh cho bệnh nhân”, ông Tuấn khẳng định.