Bệnh nhân 34 khai gian dối, con dâu chống đối đi cách ly gây bức xúc
Đến nay đã có 10 ca nhiễm COVID-19 mới liên quan đến nữ doanh nhân D.T.L.T (51 tuổi, kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Mới nhất là nam thanh niên 31 tuổi (bệnh nhân COVID-9 thứ 48, sống ở chung cư Hòa Bình, đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM) do ngồi chung ô tô với bà Đ.T.L.T.
Vì ông này nhiễm COVID-19 mà 240 hộ dân với 1.054 người trên bốn block ở chung cư Hòa Bình bị cách ly 14 ngày, thực hiện lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập từ tối 13.3.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Đức Hòa (Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19), cho biết vì nhiều lý do khác nhau nên bệnh nhân thứ 34 khai báo không đầy đủ, gây khó khăn cho điều tra dịch tễ.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, bệnh nhân thứ 34 ban đầu chỉ khai có 17 người tiếp xúc F1 (hiện nay là 46 người F1 của bệnh nhân này). Bình Thuận đã chuẩn bị kịch bản để đối phó trong trường hợp số bệnh nhân lên đến 20 người.
Ông Hòa cho rằng Bình Thuận đang chuẩn bị tốt về phương án y tế dịch tễ, không để “vỡ trận”, trong đó chú trọng đặc biệt khâu cách ly. Phó chủ tịch Bình Thuận thừa nhận ban đầu ngành y tế tỉnh hơi lúng túng vì chưa gặp dịch như vậy bao giờ. Ông Nguyễn Đức Hòa kiến nghị Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ “phải kiểm soát chặt đầu vào đầu ra tại cửa khẩu sân bay”.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Bình Thuận sáng 15.3, Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Trường Sơn yêu cầu tỉnh này phải tập trung sàng lọc F1 (tiếp xúc gần), F2 (tiếp xúc xa) để cách ly hiệu quả, không được để lây lan cho cộng đồng và lây lan cho nhân viên ngành y tế.
Về điều tra dịch tễ các nguồn lây bệnh từ các bệnh nhân, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng Bình Thuận có bệnh nhân số 34 rất phức tạp. Là một doanh nhân nên bà có quan hệ làm ăn, giao dịch nhiều người và nhiều nơi. Vì thế khả năng lây lan bệnh cho nhiều người là rất cao. Đây là điều Bộ Y tế rất quan ngại nên đề nghị Bình Thuận phải hết sức chú ý. Ngành y tế phải tìm hết người đã tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 để khoanh vùng và cách ly triệt để, ngăn chặn lây lan.
Theo Chủ tịch UBND TP Phan Thiết - Nguyễn Văn Luân, bệnh nhân COVID-19 thứ 38 (con dâu bệnh nhân 34, nhân viên ngân hàng) không hợp tác với chính quyền khi được vận động đi cơ sở cách ly tập trung. UBND TP phải làm việc với sếp con dâu bà D.T.L.T để vận động, sau đó chị ta mới chịu đi cách ly.
Ông Nguyễn Văn Luân cho hay, hiện Phan Thiết có 8 bệnh nhân (còn 1 bệnh nhân của huyện Hàm Thuận Bắc). Trong số này, các bệnh nhân số 34, 36, 41, 42, 43 là có nguy cơ lây bệnh rất cao vì tiếp xúc với nhiều người. TP Phan Thiết đã xuống từng nhà dân vận động bà con khai báo y tế, không để sót F1, F2.
Theo ông Luân, hiện Phan Thiết phát hiện thêm 6 người tại địa phương đã có tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 45 (trú quận Tân Bình, TP.HCM, có tiếp xúc gần với bà D.T.L.T).
Dân mạng đề nghị phạt tù, cấm bay
Hành vi khai báo gian dối, che giấu hành trình đi lại của bà Đ.T.L.T bị nhiều người lên án.
Theo điều tra dịch tễ của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Bình Thuận, ngày 22.2, bà Đ.T.L.T - bệnh nhân 34 từ sân bay Tân Sơn Nhất đến New York (Mỹ), quá cảnh 3 giờ tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ngày 25.2, bà Đ.T.L.T từ New York bay đến Washington tham quan, du lịch.
Trong quá trình lưu trú ở Mỹ, Đ.T.L.T khai không nhớ rõ mình ở quận nào, tiếp xúc với ai có triệu chứng ho, sốt.
Ngày 29.2, bà bay từ Washington về sân bay Doha (Qatar) trên chuyến bay Qatar Aiways QR708 để quá cảnh. Từ 18 giờ 45 ngày 1-3, bà từ sân bay này về Tân Sơn Nhất trên chuyến bay Qatar Aiways QR974, hạ cánh lúc 6 giờ sáng ngày 2.3.
Đ.T.L.T khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà bằng ô tô riêng do một tài xế lái, đồng thời khẳng định từ khi về đến trước lúc nhập viện chỉ ở nhà và lên công ty riêng.
Trong thời gian trên, bà đã có triệu chứng ho, khạc đờm nhưng tự ở nhà mua thuốc uống, không rõ thuốc gì. Liên tục trong những ngày sau đó Đ.T.L.T sốt, đau rát họng và đến ngày 9.3 mới nhập viện điều trị.
Với những khai báo trên, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Bình Thuận đã xác định 17 trường hợp F1 và liền đưa đi cách ly tập trung.
Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận cho biết Đ.T.L.T đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, số F1 với bệnh nhân trên liên tục tăng là do một số trường hợp chủ động đến khai báo cũng như qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm.
Đ.T.L.T khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà riêng, song sau này mới phát hiện bà từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác.
Khi về đến TP Phan Thiết, ngoài nhà riêng và công ty, Đ.T.L.T còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống. Tổ phản ứng nhanh của ban chỉ đạo phải căng mình đi phun thuốc khử trùng mỗi khi cập nhật thêm thông tin địa điểm mà bệnh nhân di chuyển ở địa phương.
Ban chỉ đạo COVID-19 ở Bình Thuận liên tục kêu gọi những trường hợp từng tiếp xúc với Đ.T.L.T đến khai báo y tế và thông tin thêm lịch trình, địa điểm di chuyển.
Dân mạng đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và cấm bay với bệnh nhân 34.
Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích đến nay đã xảy ra 2 trường hợp "lọt" cửa kiểm tra an ninh và sau đó được xác định dương tính với COVID-19. Đó là bệnh nhân thứ 17 (Nguyễn Hồng Nhung, tạm trú phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) và 34.
Pháp luật hiện hành đã có những quy định và chế tài cho các hành vi vi phạm nêu trên. Do đó, cần xử lý nghiêm khắc các hành vi khai báo gian dối, trốn tránh kiểm tra, cách ly y tế của những người vi phạm để răn đe.
Theo luật sư, hành vi cố ý trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về chế tài phạt tiền, người vi phạm sẽ bị xử phạt 5-10 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 176/2013.
Nghiêm trọng hơn, nếu người nào có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, cố tình khai báo gian dối, trốn tránh các biện pháp cách ly y tế mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác, có thể bị truy cứu theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Theo Điều 240, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-12 năm tùy vào hậu quả gây ra.
Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hình sự, dân mạng còn đề nghị cấm bay với Nguyễn Hồng Nhung lẫn bà Đ.T.L.T.