Theo thông tin Tuổi Trẻ Online có được, đến sáng 14-3, số trường hợp tiếp xúc gần (F1) với 9 bệnh nhân COVID-19 ở Bình Thuận là 128, tất cả đều đang được cách ly tập trung theo dõi.
Riêng trường hợp F2 (tiếp xúc với F1) là 651. Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận nhận định con số không dừng lại ở đó, địa phương vẫn đang tiếp tục xác minh thêm.
Điều đáng chú ý, tất cả trường hợp trên đều bắt nguồn từ bệnh nhân "siêu lây nhiễm" thứ 34.
Không chỉ riêng Bình Thuận, nhiều địa phương khác cũng có trường hợp liên quan đến bệnh nhân này. Trong đó, bệnh nhân 45 ở TP.HCM là điển hình.
Vậy, bệnh nhân "siêu lây nhiễm" trên đã khai gian dối như thế nào khiến công tác điều tra dịch tễ gặp nhiều khó khăn?
Đối với số ca F1 từ bệnh nhân 34, số liệu cập nhật đến sáng cùng ngày là 31 và F2 là 100.
Theo điều tra dịch tễ ngày 10-3 của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Bình Thuận, bệnh nhân 34 hành nghề buôn bán vật liệu xây dựng.
Ngày 22-2, bệnh nhân từ sân bay Tân Sơn Nhất đến New York (Mỹ), quá cảnh 3 giờ tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ngày 25-2, bệnh nhân từ New York bay đến Washington tham quan, du lịch.
Trong quá trình lưu trú ở Mỹ, bệnh nhân khai không nhớ rõ mình ở quận nào, tiếp xúc với ai có triệu chứng ho, sốt.
Ngày 29-2, bệnh nhân bay từ Washington về sân bay Doha (Qatar) trên chuyến bay Qatar Aiways QR708 để quá cảnh. Từ 18h45 ngày 1-3, bệnh nhân từ sân bay này về Tân Sơn Nhất trên chuyến bay Qatar Aiways QR974, hạ cánh lúc 6h sáng ngày 2-3.
Bệnh nhân khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà bằng xe riêng, do một tài xế lái. Đồng thời, bệnh nhân khẳng định từ khi về đến trước lúc nhập viện chỉ ở nhà và lên công ty riêng.
Trong thời gian trên, bệnh nhân đã có triệu chứng ho, khạc đờm nhưng tự ở nhà mua thuốc uống, không rõ thuốc gì. Liên tục trong những ngày sau đó bệnh nhân sốt, đau rát họng và đến ngày 9-3 mới nhập viện điều trị.
Với những khai báo trên, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Bình Thuận đã xác định 17 trường hợp F1 và liền đưa đi cách ly tập trung.
Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận cho biết bệnh nhân đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương.
"Đến giờ vẫn không hiểu vì sao bệnh nhân lại khai như thế. Bây giờ công tác điều trị và xác định các trường hợp lây nhiễm là ưu tiên hàng đầu. Còn xử lý như thế nào sau này các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ" - vị lãnh đạo này nói thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, số F1 với bệnh nhân trên liên tục tăng là do một số trường hợp chủ động đến khai báo cũng như qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm.
Đơn cử như việc bệnh nhân khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà riêng, tuy nhiên sau này mới phát hiện bệnh nhân từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác.
Khi về đến TP Phan Thiết, ngoài nhà riêng và công ty, bệnh nhân còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống. Tổ phản ứng nhanh của ban chỉ đạo phải căng mình đi phun thuốc khử trùng mỗi khi cập nhật thêm thông tin địa điểm mà bệnh nhân di chuyển ở địa phương.
Ban chỉ đạo COVID-19 ở Bình Thuận liên tục kêu gọi những trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân trên đến khai báo y tế, cũng như thông tin thêm lịch trình, địa điểm di chuyển.