Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium Diphtheria). Đây là bệnh cấp tính với dấu hiệu điển hình là hình thành lớp màng giả ( giả mạc) ở tuyến hầu họng, tuyến hạnh nhân, niêm mạc trong mũi, thanh quản hay trên da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục.
Con đường lây nhiễm của bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B, có khả năng tạo thành dịch, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Con đường lây truyền chủ yếu như: ho, hắt hơi, nói chuyện. Ngoài ra, bệnh cũng lây nhiễm khi tiếp xúc với các vật dụng có dính vi khuẩn như đồ dùng cá nhân, khăn tay, quần áo…
Một số triệu chứng ban đầu của bệnh
Các biểu hiện thường thấy nhất của bệnh nhân mắc bạch hầu gồm: sốt, đau họng, ho khan, khó thở, mệt mỏi,... Đặc trưng của bệnh là xuất hiện các màng giả mạc màu xám trắng ở họng, có thể lan rộng xuống thanh quản, khí quản. Thời gian ủ bệnh bạch hầu có thể từ 2-5 ngày hoặc lên đến 2 tuần, làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng trước khi phát hiện bệnh.
Nguy cơ tử vong của bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là trẻ dưới 15 tuổi và chưa được tiêm vắc - xin phòng ngừa. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm thận,...với tỷ lệ tử vong lên đến 20%, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người trên 50 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và phụ nữ mang thai (Theo WHO).
Chia sẻ trên Tri thức và Cuộc sống, Bác sĩ Lê Minh Thọ (Bác sĩ y học dự phòng - Trung tâm tiêm chủng Hồng Ngọc) cho biết: “Vi khuẩn bạch hầu có thể phát triển nhanh và gây nguy hiểm đặc biệt với những người chưa từng tiêm vắc - xin. Thêm vào đó, các triệu chứng của bệnh lại dễ nhầm lẫn với những bệnh về đường hô hấp khác nên người dân chủ quan, tự điều trị tại nhà sai cách làm bệnh trở nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm.”
Biện pháp phòng bệnh bạch hầu
Để phòng loại bệnh dịch này, biện pháp hiệu quả nhất đó chính là tiêm vắc xin phòng ngừa. Bộ Y Tế khuyến cáo mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ nên thực hiện tiêm phòng vắc-xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Vắc-xin bạch hầu giúp kích thích hệ miễn dịch, sản sinh kháng thể, giúp cơ thể sẵn sàng đối phó với vi khuẩn gây bệnh khi chúng xâm nhập, không chỉ giảm nguy cơ mắc bệnh mà còn giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nặng với hiệu lực bảo vệ kéo dài từ 5 - 10 năm.
“Tiêm vắc - xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu. Vắc - xin có chứa thành phần bạch hầu (vắc - xin 3 trong 1, vắc - xin 5 trong 1, vắc - xin 6 trong 1) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ với lịch tiêm 3 mũi và các mũi nhắc lại. Người lớn cần tiêm vắc - xin nhắc lại có thành phần bạch hầu 10 năm 1 lần. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc - xin này trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.” BS Thọ nhấn mạnh.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn bạn không chỉ tiêm vắc xin phòng bệnh mà cũng nên tránh tiếp xúc với nơi đông người, đặc biệt ở những nơi có ca bệnh là một trong những cách hiệu quả để giảm nguy cơ lây nhiễm. Điều cần thiết nên mang khẩu trang khi ra ngoài không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ mọi người xung quanh. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch cũng là yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa bệnh tật.
Nếu có tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu cần đến đến bệnh viện để thực hiện cách ly, theo dõi và dùng kháng sinh dự phòng vi khuẩn. Những bệnh nhân được sử dụng kháng sinh đúng liều, đúng thời điểm giúp hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nặng. Việc tự cách ly tại nhà và sử dụng thuốc sai cách có thể làm tăng triệu chứng bệnh dẫn đến tình trạng nhiễm độc toàn thân, người bệnh phải đối mặt với nguy cơ tử vong khá lớn.