Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Hồ Nam một thời gian trước đã tiếp nhận trường hợp bé trai 2 tuổi trong lúc chơi đùa trong nhà đã rơi vào chiếc máy giặt. May mắn chỉ vài phút sau, bố mẹ của bé đã kịp thời phát hiện, tiến hành sơ cứu và lập tức đưa đến bệnh viện. Ngoài chấn thương vùng cứng, các bác sĩ cũng phát hiện trong phổi của bé trai có chứa đến 10 loại vi khuẩn khác nhau.
Bác sĩ Chu Đức Thắng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện nhi Hồ Nam cho biết: "Nguyên nhân khiến trẻ nhiễm 10 loại vi khuẩn trong phổi là do máy giặt sử dụng nhiều năm không được vệ sinh, tích tụ nhiều bụi bẩn. Khi phổi tiếp xúc với chất bẩn trong máy giặt sẽ gây ra tình trạng viêm phổi. Đối với bé trai, tình trạng viêm ảnh hưởng gần như toàn bộ phổi phải và một phần phổi trái.
Ngoài việc lưu ý đảm bảo an toàn cho trẻ, các bác sĩ cũng nhắc nhở về việc cần vệ sinh những thiết bị, đồ dùng trong gia đình chứa nhiều vi khuẩn, cần vệ sinh thường xuyên để bảo vệ sức khỏe.
1. Máy giặt
Máy giặt là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhưng thường ít được quan tâm vệ sinh. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trong hơn 6 tháng máy giặt không được làm sạch có khả năng chứa nhiều vi khuẩn còn hơn những quần áo chưa giặt.
Qua điều tra 128 máy giặt đang được sử dụng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Thượng Hải (Trung Quốc) đã phát hiện nhiều vi khuẩn nguy hại, Coliform, nấm mốc... trong hơn một nửa số máy giặt. Trong đó, tỷ lệ vi khuẩn vượt tiêu chuẩn là 81,3%, phát hiện nấm mốc ở hơn 60,2% máy giặt và tất cả máy đều phát hiện vi khuẩn coliform.
Viện nghiên cứu môi trường Osaka Nhật Bản cũng đã tiến hành thử nghiệm trên 153 máy giặt gia đình và nhận thấy có nhiều vi khuẩn sau khi giặt bám vào quần áo có thể gây ra một số bệnh như viêm âm đạo do nấm.
Đặc biệt đối với trẻ em, vi khuẩn E. coli trong chất bẩn của máy giặt dễ gây phù nề, chảy máu niêm mạc ruột, trường hợp nặng có thể gây tổn thương ở thận, lá lách và não.
Chính vì vậy, sau khi giặt quần áo hằng ngày, nên mở nắp để máy giặt được thông thoáng, lau khô thùng bên trong và vòng đệm đồng thời làm sạch đai lọc để giảm ô nhiễm trong máy. Đồng thời, nên thường xuyên sử dụng chất tẩy rửa máy giặt chuyên dụng có chức năng kháng khuẩn để giúp lồng giặt luôn sạch sẽ. Vệ sinh cách bộ phận lọc bên trong từ 3 - 6 tháng/ lần.
2. Tủ lạnh
Nhiều người đã quen với việc để mọi thứ vào vị trí bất kỳ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, nếu chứa quá nhiều đồ và vị trí để không phù hợp cũng như thiếu vệ sinh thường xuyên sẽ dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn bên trong sinh sôi.
Tủ lạnh dựa vào nhiệt độ thấp để giữ thức ăn tươi ngon, làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn bên trong, từ đó cũng kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm. Nhưng chậm lại không có nghĩa là hoàn toàn dừng lại.
Khi sinh sản đến số lượng nhất định sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhiều loại vi khuẩn như Listeria monocytogenes, Salmonella, Staphylococcus vàng, Escherichia coli vẫn có thể sinh sản chậm ở nhiệt độ thấp.
Vì vậy, nếu thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh lâu ngày, nhìn bằng mắt thường có thể không có gì bất thường nhưng thực chất nó đã trở thành “tổ” vi khuẩn. Nếu ăn phải những thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nôn mửa và tiêu chảy, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Chính vì vậy, tủ lạnh phải được vệ sinh thường xuyên và nên vệ sinh định kỳ mỗi tháng một lần.
- Sau khi tủ lạnh tắt, trước tiên hãy lấy tất cả đồ ra, dùng bàn chải và các dụng cụ làm sạch khác để loại bỏ cặn đá, vệt nước...
- Dùng giẻ mềm nhúng vào chất tẩy rửa tủ lạnh chuyên dụng để lau bên trong và cuối cùng là lau khô lại.
- Lau dọc bên trong ron tủ lạnh bằng khăn giấy hoặc giẻ lau.
3. Điều hòa
Chỉ cần mở nắp bộ lọc điều hòa, có thể thấy một lớp bụi dày bên trong bộ lọc. Lớp bụi này là một trong những nguồn phát sinh mạt bụi, virus, vi khuẩn... của không khí trong nhà.
Bởi khi sử dụng điều hòa, các hạt bụi cực nhỏ và vi sinh vật trong không khí sẽ đi qua bộ lọc và cư trú trong đó. Sau khi ngừng sử dụng, nhiều người không che chắn bụi, bụi bẩn trong không khí sẽ tiếp tục xâm nhập khiến điều hòa ngày càng bẩn.
Những vị trí bẩn nhất trong máy điều hòa gồm bộ lọc, bộ tản nhiệt và cánh quạt. Nên vệ sinh một lần vào mỗi mùa hè trước khi sử dụng.
Phương pháp làm sạch:
- Khi tự vệ sinh điều hòa, trước tiên hãy tắt nguồn, lau sạch vỏ ngoài của điều hòa bằng giẻ ướt
- Mở nắp điều hòa, lấy bộ lọc và đặt dưới vòi nước chảy để làm sạch, dùng bàn chải để cọ rửa.
- Lắp lại bộ lọc sau khi rửa và sấy khô, đóng nắp.