Bé trai 10 tuổi, ở An Giang, nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) với tình trạng viêm phổi kém đáp ứng điều trị, kéo dài hơn 4 tháng.
Từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, bé trai khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, ho đàm. Bệnh nhi được nhập viện 2 lần, điều trị viêm xẹp phổi phải kéo dài ở các bệnh viện khác.
Bùi Ngọc Quỳnh Như, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết kết quả chụp CT Scan ngực ghi nhận dày không đều thành phế quản - giãn phế quản chủ yếu thùy giữa và thuỳ dưới phổi phải - tắc phế quản trung gian phải.
Sau đó, trẻ được nội soi phế quản, có ghi nhận khối sùi giả mạc phế quản nhưng không được sinh thiết. Qua kết quả CT Scan ngực và nội soi phế quản, các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị lao phế quản phổi nên cho xuất viện và hẹn tái khám ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Tại đây, bệnh nhi được làm các xét nghiệm tầm soát lao, nhưng kết quả đều âm tính. Trẻ lại được tiếp tục chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ nhận thấy đây là tình trạng viêm phổi kéo dài trên nền có bất thường cấu trúc phổi. Bác sĩ nhanh chóng lên lịch nội soi phế quản cho bệnh nhi, ghi nhận tại phế quản phải có khối u bít hoàn toàn lòng phế quản trung gian, bề mặt sần sùi.
Kết quả sinh thiết cho thấy khối u là Carcinoma nhầy bì - một loại u ác tính ở phổi.
Bệnh nhi nhanh chóng được điều trị theo phác đồ phù hợp. Hiện tình trạng sức khỏe của bé ổn định, có đáp ứng tốt với điều trị hóa trị.
Theo bác sĩ Như, với trường hợp này, phương pháp nội soi phế quản đã giúp tiếp cận khối u từ trong lòng phế quản, tiến hành sinh thiết để chẩn đoán xác định bản chất khối u, hạn chế được cuộc phẫu thuật cho bệnh nhi.