Bi kịch chồng chất
Mới ở độ tuổi 30 nhưng anh Lê Văn Đính (ở đội 3, xóm Duyên Sinh, xã Giao Nhân, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) có vẻ ngoài trông khắc khổ, già dặn hơn thế rất nhiều. Bởi, anh cùng gia đình đang phải sống trong nghịch cảnh vô cùng chua xót. Từng người thân của anh lần lượt mắc phải những căn bệnh hiểm ác suốt nhiều năm ròng.
Hơn 6 năm về trước, anh lập gia đình ở độ tuổi còn khá trẻ. Là một người nông dân chân chất, anh chỉ mong một cuộc sống êm đềm bên vợ cùng những đứa con.
Nào ngờ, hạnh phúc đến với anh thật ngắn ngủi. Thời điểm năm 2015 lúc mới sinh con đầu lòng, vợ anh là chị Phạm Thị Nguyệt xuất hiện triệu chứng trầm cảm. Dù bên cạnh gần gũi, chăm sóc vợ nhưng cuối cùng căn bệnh đó mỗi ngày một biến chứng khủng khiếp hơn.
Chị Nguyệt nhanh chóng chuyển sang chứng loạn thần, phải điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai suốt mấy tháng trời. Ngay cả khi được xuất viện, căn bệnh của chị vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Cũng kể từ ngày vợ bệnh, cuộc sống gia đình anh Đính liên tục có những biến cố lớn. Năm 2017, chị sinh con thứ 2, đặt tên là Lê Ngọc Diệp. Số phận một lần nữa “trêu ngươi” đôi vợ chồng trẻ bất hạnh.
Tháng 4/2020, trong một lần đưa con về nhà ngoại chơi, mọi người phát hiện bụng cháu Diệp to bất thường. Anh Đính tá hoả đưa con đến Bệnh viện đa khoa huyện Giao Thuỷ khám, rồi cả Bệnh viện tỉnh Nam Định. Bác sĩ chỉ định đưa Diệp chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi trung ương làm xét nghiệm.
Tại đây, anh Đính nhận tin “sét đánh”, Diệp mắc bệnh ung thư thận. Thế rồi, một đứa trẻ mới chỉ chưa đầy 3 tuổi buộc phải trải qua những lần điều trị hoá chất đầy khắc nghiệt. Thậm chí, bé Diệp phải cắt đi một quả thận để tránh việc ung thư di căn, xâm lấn sang quả thận còn lại.
Vợ suýt nhảy lầu vì con đau
Trong lúc con đau ốm thì căn bệnh trầm cảm của vợ anh mỗi lúc một nặng hơn. Do quá suy nghĩ chuyện con cái, chị Nguyệt thường xuyên lên cơn loạn thần.
“Có lần trông con trong bệnh viện, nghe tiếng con khóc trong đêm, vợ tôi lên cơn, nghĩ bản thân cô ấy bị chết rồi nên chạy khắp bệnh viện. Các bác sĩ phải chạy theo giữ lại. May là bệnh viện đóng kín các cửa, không thì vợ tôi đã nhảy lầu mất rồi”, anh Đính nhớ lại.
Cùng một lúc đến hai thành viên trong gia đình mắc bệnh, kinh tế gia đình anh trở nên khó khăn hơn. Từ trước đến nay, anh mưu sinh bằng nghề thợ xây, thu nhập đủ ăn. Vợ anh mắc bệnh trầm cảm gần như chỉ ở nhà. Toàn bộ gia đình 4 miệng ăn trông chờ vào những giọt mồ hôi anh đổ ngoài công trường.
Tuy nhiên, suốt từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Đính chẳng đi làm được nữa. Đồng thời, việc vợ anh thường xuyên lên cơn khiến anh chẳng thể yên tâm.
Không có tiền điều trị cho con, anh chỉ còn biết đi vay mượn họ hàng số tiền lên đến hơn 50 triệu đồng. Khoản này nhanh chóng hết sạch bởi phác đồ điều trị dành cho cháu Diệp khá nặng. Đợt nào tiền thuốc ít cũng phải hết 4 triệu đồng, còn những đợt gần đây số tiền ngoài danh mục bảo hiểm hỗ trợ đã lên đến 14 triệu đồng/đợt.
Hiện tại, sức khoẻ cháu Diệp rất yếu sau khi cắt một bên thận. Quá trình điều trị cho cháu theo đó hết sức tốn kém. Chưa kể chi phí ăn uống, sinh hoạt, thuê nhà trọ gần viện của gia đình anh Đính ở mức 600.000 đồng/ngày.
Vất vả như vậy nhưng anh chưa một lần than thở, bởi anh sợ vợ lại suy nghĩ rồi lên cơn loạn thần. Nhưng quả thật, gia đình anh đã hoàn toàn khánh kiệt. Lúc này đây, rất có thể anh sẽ phải bán đi nốt căn nhà mình để có tiền chữa bệnh cho vợ con. Sau đấy, anh cũng chưa biết cả gia đình sẽ phải sống thế nào.