Ba mẹ rất ngạc nhiên: "Trẻ còn nhỏ mà cũng bị bệnh này hả bác sĩ?".
Thừa cân béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, thừa cân béo phì ở trẻ em đang là vấn đề thách thức trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, theo Viện Dinh dưỡng Việt Nam, năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì tại Hà Nội và TP.HCM là 12%. Sau 13 năm (năm 2009), tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP.HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.
Làm thế nào để biết trẻ có bị thừa cân béo phì?
Dựa vào số đo cân nặng và chiều cao, chúng ta có chỉ số BMI (Body Mas Index - chỉ số khối cơ thể).
Tùy theo tuổi và giới tính, bác sĩ sẽ dùng chỉ số BMI để biết cân nặng của bé có bình thường so với chiều cao hay không, hay là bé bị thừa cân, bị béo phì.
Tại sao trẻ bị thừa cân béo phì?
2 lý do cơ bản là trẻ ăn quá nhiều, ăn thực phẩm không lành mạnh và trẻ không tập thể dục đầy đủ.
Ngoài ra, một số trẻ chỉ đơn giản là tăng cân dễ dàng hơn những đứa trẻ khác; một số bệnh lý hoặc một số loại thuốc cũng có thể khiến cho trẻ bị tăng cân nhanh, nhưng thường ít gặp.
Những biến chứng của thừa cân béo phì ở trẻ em là gì?
Là một danh sách dài, có ảnh hưởng đến toàn bộ sức khỏe của trẻ chứ không chỉ là vấn đề thẩm mỹ của ngoại hình, gồm những nhóm bệnh lý sau:
1. Bệnh lý tim mạch: Trẻ em bị béo phì có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch ở tuổi trưởng thành như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành …
2. Bệnh lý nội tiết - chuyển hóa: bao gồm đề kháng insulin, đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ máu, hội chứng đa nang buồng trứng, dậy thì sớm (thừa cân béo phì có liên quan đến dậy thì sớm ở trẻ nữ).
3. Bệnh lý hô hấp: bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và hội chứng giảm thông khí do béo phì.
4. Bệnh lý tiêu hóa: gan nhiễm mỡ (không do rượu), sỏi đường mật....
5. Bệnh lý cơ xương: chân vòng kiềng (bệnh Blount), trượt đầu trên xương đùi.
Ngoài ra, trẻ em béo phì có tỷ lệ gãy xương tăng cao, đau khớp thần kinh, đau cơ xương khớp (ví dụ: lưng, chân, đầu gối, mắt cá chân và bàn chân), khả năng di chuyển bị giảm, và dị tật chi dưới.
6. Bất thường về da: gai đen da, rạn da …
7. Tăng áp lực nội sọ vô căn (hay còn gọi là hội chứng "giả u não").
8. Các ảnh hưởng về tâm lý: Trẻ thừa cân và béo phì dễ bị phân biệt đối xử bởi các bạn đồng trang lứa. Bên cạnh đó, thừa cân béo phì có thể khiến trẻ bị chứng rối loạn ăn uống sau này, khiến trẻ ăn uống không lành mạnh.
Làm sao để trẻ đạt và duy trì được cân nặng khỏe mạnh?
Ba mẹ cần giúp trẻ ăn thực phẩm lành mạnh và hoạt động năng động hơn, như:
- Cho trẻ ăn 5 phần trái cây hoặc rau quả mỗi ngày; hạn chế những loại trái cây ngọt nhiều năng lượng như chuối, sầu riêng, xoài...
- Không cho trẻ uống bất kỳ đồ uống/ thức ăn có đường. Đồ uống có đường bao gồm soda, đồ uống thể thao và tất cả các loại nước ép. Thức ăn có đường: bánh, kẹo.
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo đặc biệt là các loại chất béo no, chất béo trans trong các thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán …
- Giới hạn "thời gian màn hình", bao gồm xem TV, điện thoại, máy tính bảng, chơi trò chơi điện tử hoặc sử dụng máy tính hoặc thiết bị điện tử khác.
Các chuyên gia khuyên rằng trẻ nhỏ (từ 2 đến 5 tuổi) không quá 1 giờ mỗi ngày trên màn hình. Trẻ lớn hơn cũng nên giới hạn thời gian màn hình không quá 2 giờ mỗi ngày.
- Cho trẻ hoạt động thể chất từ 1 giờ trở lên mỗi ngày, bao gồm thực hiện một môn thể thao, nhảy múa hoặc chơi ngoài trời.
- Hãy nhắc nhở và giúp trẻ được ngủ đủ giấc. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ không ngủ đủ có nhiều khả năng tăng cân quá nhiều.
Nói chung, trẻ từ 3 đến 5 tuổi nên ngủ từ 10 đến 13 giờ (bao gồm cả ngủ trưa). Trẻ lớn hơn nên ngủ từ 9 đến 12 giờ mỗi đêm và thanh thiếu niên nên ngủ từ 8 đến 10 giờ.
* Nếu thấy trẻ có biểu hiện buồn, lo lắng, hoặc rắc rối nào đó vì vấn đề cân nặng, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám, kiểm tra và tư vấn dinh dưỡng.