Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công bệnh nhi H., 5 tuổi có biểu hiện .
Trước đó, vào lúc 18g ngày 12/6, bệnh nhi H. nhập viện với tình trạng mệt mỏi, khó thở, ho nhiều. Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó khoảng một tiếng, cháu H. theo cha mẹ đến một trung tâm bơi lội để đăng ký học bơi. Trong khi phụ huynh trao đổi với thầy giáo nên không để ý đến con, cháu H. đã nhảy xuống bể và bị đuối nước. May mắn, lực lượng cứu hộ bể bơi đã nhanh chóng vớt cháu lên, sơ cứu và chuyển H. đến cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Các bác sĩ của bệnh viện đã khẩn trương cấp cứu cho cháu H., chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả chụp X-quang cho thấy bé H. bị viêm phổi phải. Sau 5 giờ điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi đã qua tình trạng nguy hiểm và tiếp tục được chuyển lên điều trị tại khoa Nhi hô hấp.
BS Nguyễn Đăng Hải- khoa Nhi hô hấp, người đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhi- thông tin: “Bé H. được điều trị tích cực bằng kháng sinh và bổ sung dinh dưỡng. Thông thường, bệnh nhi sẽ có diễn biến nặng trong 3-5 ngày tiếp theo do viêm phổi tiến triển, chính vì vậy chúng tôi theo dõi cháu rất sát trong khoảng thời gian này. Do tiến triển tốt, bé H. đã được ra viện ngày 17/6”.
Theo BS Trần Văn Trung- Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi: “Khi trẻ bị đuối nước, phản xạ đầu tiên là co thắt thanh quản, tiếp đó là phản xạ khiến nước và các chất bẩn, dị vật sặc vào phổi dẫn đến suy hô hấp, giảm oxy máu, thay đổi về khối lượng tuần hoàn dẫn đến tử vong.
Nếu cứu được, nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn ở phổi rất cao. Khi bị đuối nước, thời gian thiếu ôxy của nạn nhân càng dài khả năng tử vong càng cao và di chứng càng nặng nề. Do vậy, đối với trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu sớm và đúng cách ngay tại hiện trường là rất quan trọng để cứu sống trẻ và giảm thiểu các di chứng do thiếu ôxy não”.