Bài văn khấn cúng Rằm tháng Giêng
Bài khấn tham khảo 1:
(Bài văn khấn Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022 theo “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” - NXB Văn hoá Thông tin)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm…, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại gia về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Khấn xong, vái 3 vái.
Bài khấn tham khảo 2:
Con nguyện Nam Mô A Di Đà Phật!
Con nguyện Nam Mô A Di Đà Phật!
Con nguyện Nam Mô A Di Đà Phật!
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần,
Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần,
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa,
Ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần,
Con kính lạy các Gia thân, Gia tiên tiền tổ dòng họ...........
Hôm nay là ngày..... tháng.... năm.... (Âm lịch)
Tín chủ con (chúng con) là........ Ngụ tại......
Nay tiết xuân mới, gặp lễ Thượng Nguyên,
Chúng con cảm nghĩ ân thâm trời đất cùng chư vị Tôn thần,
Nhớ đức cù lao Tiên tổ, mỗi niệm không quên.
Chúng con gửi gắm lòng thành, sắm sanh lễ vật,
Sửa sang hương đăng, trần thiết trà quả, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời:
Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương,
Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Ngài Bản gia Táo quân,
Ngài Ngũ phương, Long mạch, Tài thần,
Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời Gia thân, hương linh Gia tiên nội ngoại dòng họ...
Cúi xin thương xót con cháu, giáng về linh sàng,
Chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con lại kính mời các vị vong linh, tiền chủ hậu chủ ở trong nhà này, đất này,
Đồng lân án tiền, đồng lai hâm hưởng.
Độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an,
Bốn mùa không hạn ách nào xâm lược, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Phục duy cẩn cáo.
Con nguyện Nam Mô A Di Đà Phật!
Con nguyện Nam Mô A Di Đà Phật!
Con nguyện Nam Mô A Di Đà Phật!
Cúng Rằm tháng Giêng vào ngày, giờ nào?
Người xưa có câu “cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” là để đánh giá tầm quan trọng của ngày lễ này.
Ngày Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu, lễ Thượng Nguyên. Đây là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới. Ngày Rằm tháng Giêng năm 2022 diễn ra vào thứ Ba, ngày 15 tháng 2 dương lịch.
Ở nước ta, ngày Rằm tháng Giêng là dịp để người dân cầu phúc, ước nguyện bình an cho năm mới. Ngoài việc đi lễ chùa, vãn cảnh, lễ bái cầu điềm lành, các gia đình cũng thường sắm lễ để dâng cúng gia tiên tại nhà.
Rằm tháng Giêng năm nay vào ngày thứ 3 (15/1) âm lịch. Theo quan niệm, việc cúng Rằm vào ngày 14,15 âm lịch đều hợp lý.
Quan niệm về ngày giờ cúng Rằm tháng Giêng vốn là quan niệm cởi mở. Quan trọng nhất vẫn là người cúng thành tâm, lòng thành, không cần quá câu nệ. Tùy theo điều kiện gia đình, công việc mà có thể cúng Rằm sớm hơn. Năm nay ngày 13 âm lịch trùng với chủ nhật, ngày nghỉ, nhiều gia đình chọn cúng Rằm vào ngày này cũng hợp lý.
Nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (11h đến 13h). Người xưa cho rằng, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.
Trong ngày lễ này, tùy vào điều kiện gia đình và phong tục vùng miền mà có mâm cỗ khác nhau. Ngoài các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, một chút vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, các gia đình thường chuẩn bị hai mâm lễ để dâng cúng vào ngày Rằm tháng Giêng. Ngoài mâm lễ mặn (hương hoa, đèn nến, xôi gà, canh bóng,...) dâng bàn thờ gia tiên, nhiều người tín ngưỡng thờ Phật còn chuẩn bị một lễ chay (hương hoa, phẩm oản, trái cây,...) để thể hiện lòng thành kính.
*Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và chiêm nghiệm!