Biểu hiện của trẻ bị hóc dị vật
Với đặc tính hiếu động, thích khám phá, tìm tòi mọi đồ vật, trẻ em rất dễ gặp các tai nạn khi đang vui chơi, đặc biệt là tình trạng hóc dị vật. Đây là một trong những tai nạn cực kỳ nguy hiểm.
Đang ăn, đang chơi trẻ bỗng dưng ho sặc sụa. Trẻ bị nghẹn, không ho được, không nói, không thở được, tím tái mặt mày.... là những dấu hiệu cho biết trẻ đã bị hóc dị vật.
Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Cha mẹ cần bình tĩnh khi xử lý trẻ bị hóc dị vật. Lúc này, cần làm ngay biện pháp heimlich để đẩy dị vật ra tùy theo độ tuổi của trẻ”.
Theo đó, đối với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ sẽ thực hiện phương pháp heimlich (ép bụng) bằng cách: Đứng ở phía sau trẻ, nắm hai tay vào nhau, vòng ra phía trước bụng khu vực phía trên rốn và dưới đỉnh xương ức. Sau đó dùng lực đẩy vào bụng và hướng lên trên.
Trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ nên vỗ vào lưng và ấn vào ngực. Nếu thao tác ấn ngực không hiệu quả, cha mẹ hãy chuyển sang phương pháp thổi ngạt như trường hợp cấp cứu đuối nước.
Nếu trẻ bị bất tỉnh, cha mẹ cần cho trẻ nằm ngửa. Tiếp đến, nắm chặt hai bàn tay của mình rồi ấn mạnh vào xương ức đến khi bé tỉnh thì đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Phòng ngừa nguy cơ trẻ bị hóc dị vật
Cha mẹ cần hết sức chú ý với các đồ vật trong nhà và luôn đảm bảo trẻ trong tầm quan sát. Để phòng ngừa nguy cơ hóc dị vật ở trẻ, cha mẹ nên chọn những đồ chơi có kích cỡ phù hợp, không nên chọn đồ chơi quá nhỏ, tránh trường hợp trẻ cho vào miệng.
Không gian vui chơi của bé không nên có các vật dụng nhỏ nguy hiểm như: Nút áo, hạt cườm, pin tiểu, các loại hạt trái cây. Khi chế biến thức ăn, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến những thực phẩm cứng, thực phẩm có xương, tuyệt đối tránh cho trẻ ăn các loại hạt kẻo con bị hóc.