Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh được nằm úp trong những khoảng thời gian nhất định sẽ giúp phát triển các cơ quan, có lợi cho sự phát triển hệ vận động và não bộ.
Khi nào cho trẻ sơ sinh nằm úp?
Viện phát triển vận động Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, trẻ sơ sinh từ 15 ngày tuổi có thể làm quen với việc nằm úp một vài lần trong ngày. Cụ thể:
- Trẻ dưới 3 tháng: Vài phút/lần, ngày 3 – 4 lần
- Trẻ từ 3 tháng trở lên: Ít nhất 1 giờ/ngày
Mẹ nên cho trẻ nằm úp khi đang thức, tâm trạng vui vẻ và hào hứng. Không nên cho trẻ nằm úp khi đang ngủ.
Bài tập vận động cho trẻ sơ sinh nằm úp
Khi bé nằm úp, có đến 10 bộ phận được tập luyện và phát triển bao gồm: Cổ, đầu, lưng, cánh tay, bàn tay, hông, bụng, chân, mắt và cấu trúc bên trong não bộ.
Vì vậy, cha mẹ có thể kết hợp cho trẻ tập những bài tập hỗ trợ khi bé nằm úp theo nguyên tắc: Mỗi ngày cho bé nằm úp và tăng các hoạt động tương tác nhằm phát triển 4 bộ phận cơ thể.
Quy trình mẫu các bài tập kết hợp khi cho trẻ nằm úp
Mẹ có thể cho trẻ nằm úp theo quy trình 5 ngày như sau:
Ngày thứ nhất: Não bộ - cổ - mắt- cánh tay
Ngày thứ hai: Não bộ - đầu – lưng – bàn tay
Ngày thứ ba: Não bộ - chân – bụng – hông
Ngày thứ tư: Vận động tự do
Ngày thứ năm: Quay lại ngày 1 và bắt đầu lại từ đầu.
Một số bài tập cho trẻ khi nằm úp
Cha mẹ có thể tham khảo những bài tập dưới đây như 1 hoạt động vui chơi cùng trẻ. Để đạt hiệu quả phát triển tốt nhất, nên duy trì đến khi trẻ 12 tháng tuổi.
Ngày đầu tiên
Mẹ tìm không gian yên tĩnh trong phòng ngủ, đặt trẻ nằm úp trên bề mặt mịn, không nên chèn gối xung quanh. Trong ngày đầu, mẹ cho bé thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển não bộ – cổ – mắt – cánh tay.
Bước 1: Mẹ dùng tay vò 1 tờ giấy để tạo tiếng động ở 1 bên tai phải của trẻ, quan sát sự chú ý của trẻ đặc biệt là mắt. Khuyến khích trẻ sử dụng cổ để nhìn và quan sát. Mẹ di chuyển bàn tay đến gần tai bé hơn để bé tiếp tục sử dụng mắt và cổ cho hoạt động này.
Bước 2: Mẹ di chuyển tay, vẫn vò giấy tạo tiếng động ở trước mặt và sang tai trái. Lúc này trẻ sẽ sử dụng cánh tay để cố nâng phần trên cơ thể hoặc ít nhất trẻ sẽ cố đẩy khủy tay về trước.
Bước 3: Mẹ có thể nâng cao bài tập bằng cách vò giấy nilon bóng, lắc lục lạc hoặc 1 con thú có tiếng động và 3 màu xanh, đỏ và vàng. Điều này sẽ giúp thay đổi cường độ chú ý cũng như phát triển cấu trúc bên trong của não bộ.
Ngày thứ hai
Trong ngày thứ hai, mẹ sẽ cho bé thực hiện các hoạt động giúp phát triển não bộ – đầu – lưng – bàn tay.
Sau khi cho bé nằm úp, mẹ dùng một hộp giấy nhỏ có nắp cùng một quả bóng nhỏ có tiếng động khi di chuyển. Ban đầu, khi trẻ còn nhỏ, mẹ chỉ cần làm các thao tác đơn giản: Lắc bóng tạo tiếng động và từ từ mở hộp bỏ vào trong. Tiếp theo, mẹ đẩy chiếc hộp đến gần bàn tay của trẻ, khuyến khích bé chạm hoặc cầm lấy nó. Mẹ lặp lại những bước này trong thời gian nằm sấp cùng bé.
Khi trẻ sử dụng cánh tay để nâng phần thân trên, 1 tay của trẻ đã có thể tự do khám phá đồ chơi của mẹ. Mẹ để quả bóng vào lòng bàn tay trẻ và khuyến khích con bỏ vào hộp. Hoạt động này sẽ giúp bé phối hợp cả đầu, lưng, bàn tay trong việc mở. Đồng thời, não bộ trẻ cũng phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề là mở hộp và nhận thức được sự khác nhau của các nguồn âm thanh phát ra.
Bài tập nâng cao: Mẹ tăng số lượng hộp thành 2, hoặc thay trái banh bằng 1 con thú bóp kêu để tăng kĩ năng sử dụng các ngón tay. Trẻ sẽ có thêm thử thách để giải quyết vấn đề mở hộp. Mẹ cũng có thể sử dụng hộp có nút bấm cho trẻ.
Ngày thứ ba
Trong ngày thứ ba, các hoạt động sẽ giúp bé phát triển não bộ – chân – bụng – hông: Khi trẻ nằm sấp, mẹ có thể dùng 2 tay đặt ở phần dưới để nhấc hổng bé lên vài cm để con có thể sử dụng cơ hông, bụng, chân rồi nhẹ nhàng đặt trẻ nằm xuống.
Nhằm giúp não bộ trẻ phát triển, mẹ có thể làm động tác này trước tấm gương lớn để trẻ có thể nhìn thấy bản thân và cả khuôn mặt của mẹ. Mẹ hãy luôn tươi cười để bé cảm nhận được niềm vui và nhiều điều thú vị xung quanh.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
(Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)