Theo BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong- Trưởng khoa Hô hấp 1, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM), riêng tại Khoa, hiện nay trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị nội trú khoảng 280-300 lượt bệnh/ngày. Một số bệnh lý như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen diễn tiến bệnh nhanh và nặng.
Theo BS Phong, bệnh tăng cao là do tăng theo chu kỳ, đỉnh điểm là tháng 9-11 hàng năm khi chuyển mùa. Đặc biệt năm nay, tình hình ô nhiễm môi trường ở nước ta diễn tiến bất thường với các chỉ số ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang ở mức báo động cũng là yếu tố nguy cơ, góp phần làm cho trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp.
BS. Phong khuyến cáo, phụ huynh cần chủ động bảo vệ trẻ tránh xa các yếu tố nguy cơ gây bệnh hay làm bệnh nặng hơn bằng cách:
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên giặt giũ chăn, màn, chiếu gối, hút sạch bụi bẩn trong nhà.
- Đóng kín cửa ở những thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.
- Vệ sinh máy lạnh theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tránh vi khuẩn tích tụ trong nhà.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá khi gia đình có trẻ em vì khói thuốc rất nguy hiểm đến sức khỏe trẻ em. Hệ hô hấp của trẻ vốn rất nhạy cảm so với của người lớn.
- Không đưa trẻ ra đường khi không cần thiết. Nếu phải ra đường, cần cho bé đeo khẩu trang lọc bụi đạt tiêu chuẩn.
- Tập cho bé thói quen uống nhiều nước
- Tăng cường vệ sinh mũi họng bằng sản phẩm phù hợp với từng độ tuổi để làm sạch đường thở.
- Khi trẻ có các triệu chứng như ho, hắt hơi, chảy nước mũi…, phụ huynh cần đưa trẻ đến chuyên gia y tế để được khám và tư vấn kịp thời.
Trẻ viêm hô hấp đừng quá chủ quan
Trẻ em dễ mắc bệnh lý viêm đường hô hô hấp như: ho, sổ mũi, sốt hoặc bỏ ăn. Có bé chỉ vài ngày là khỏi bệnh, cũng có bé sổ mũi hoặc ho kéo dài từ tuần này sang tuần khác. Đôi khi hết được vài ngày thì bé bệnh trở lại, phải nghỉ học, vì thế, viêm hô hấp ở trẻ em đa phần là nhẹ nhưng dễ ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ và gia đình.
Viêm hô hấp trên là viêm từ mũi xuống ngã ba hầu họng, phần nhiều là viêm mũi, viêm họng, viêm hệ thống bạch huyết ở họng trẻ nhỏ (viêm VA: végétations adénoides), viêm tai. Viêm hô hấp trên dù không được điều trị cũng có thể tự khỏi, hoặc tiến triển thành viêm hô hấp dưới như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản (viêm những cuống phổi cực nhỏ) hay viêm phổi.
Viêm hô hấp đa số do tác nhân siêu vi như rhinovirút, virút RSV, virút cúm… phát tác khi gặp điều kiện thuận lợi như trời lạnh, sinh hoạt ẩm thấp, đông đúc. Biểu hiện viêm hô hấp ở trẻ là ho, sổ mũi, có khi sốt, đôi khi bỏ ăn.
Diễn tiến bệnh đa số lành tính, nếu chăm sóc tốt sẽ hết sau 5 – 7 ngày, không cần nhập viện. Điều quan trọng là khi thấy có những dấu hiệu nặng như trẻ nôn ói hết, thở nhanh, sốt cao (ở trẻ nhỏ sốt cao quá có thể gây co giật), hoặc có triệu chứng khó thở, thở co kéo ngực hoặc phập phồng cánh mũi là phải đưa trẻ đi khám ngay.
Trẻ sinh mổ dễ bị khò khè do còn đàm nhớt ở đường hô hấp, các bà mẹ không nên vì lo lắng mà cho bé uống kháng sinh quá sớm, nên đưa cháu đến các trung tâm y tế để được hút đờm và tập vật lý trị liệu hô hấp theo chỉ định của bác sĩ.
Một số trẻ nhỏ khóc đêm, bỏ bú, đơn thuần vì bị nghẹt mũi, do đó phải thông mũi cho bé bằng cách hút mũi và cho nằm đầu cao, vỗ lưng cho trẻ, giúp trẻ ho và nôn ra chất đờm dãi (nhiều phụ huynh thấy không yên tâm nếu đi đưa con khám ho mà bác sĩ không cho thuốc gì hoặc cho rất ít thuốc: nên nhớ ho là một phản xạ rất tốt để bảo vệ phổi ở trẻ).
Những triệu chứng ho, sốt, ói, sổ mũi, biếng ăn là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý ở trẻ nhỏ, do đó không nên quá chủ quan.
Có nhiều bà mẹ thấy triệu chứng bé giống lần trước và đôi khi người lớn vì quá bận rộn không đưa cháu đi khám được nên tự động dùng toa cũ hoặc ra mua vài viên thuốc về cho con uống, đến khi tự chữa hoài không khỏi đưa vào viện thì bé đã viêm phổi nặng, có trường hợp dẫn đến ápxe phổi.
Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu bị bệnh cần đưa tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.