Con em đã được 1 tuổi, nhưng bé vẫn lồi rốn ra ngoài chứ không co vào trong như các bé khác. Vì sao có hiện tượng này, thưa bác sĩ?
Lâm Dạ (Đồng Nai)
Hiện tượng rốn lồi ở trẻ sơ sinh do tình trạng thoát vị rốn gây ra. Khi trẻ bị thoát vị rốn, một phần nội tạng (thường là ruột) sẽ chui ra ngoài, chỗ lỗ rốn (khi trẻ mới sinh, lỗ rốn vẫn chưa đóng kín, vì đây là đường dẫn chất dinh dưỡng từ nhau thai vào cơ thể bé), tạo thành một khối lồi lên rõ rệt ở vùng bụng. Khi trẻ khóc to, cố ưỡn mình lúc đại tiện hoặc vặn mình, mẹ sẽ thấy rõ hơn chiếc rốn lồi của con đang phình to lên.
Trong hầu hết các trường hợp, hiện tượng rốn lồi ở trẻ sơ sinh không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Bệnh rốn lồi cũng không gây đau, không dẫn đến các biến chứng khác, ngay cả khi không thực hiện bất kỳ biện pháp chữa trị nào.
Dù vậy, nó lại gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, đặc biệt với bé gái thì vấn đề lại càng trầm trọng. Bạn nên tìm cách dỗ con, hạn chế việc bé khóc, gào để hạn chế áp lực từ bụng lên rốn - nguyên nhân khiến rốn lồi ra. Hãy bế bé lên và dỗ dành để bé nín dần. Bạn cũng nên massage nhẹ nhàng thành bụng cho bé mỗi ngày.
Nếu rốn bé lồi nhiều quá, bạn có thể đưa bé đến bác sĩ nhi khoa khám.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM