Bệnh suy thận được xem là "án tử" cho những ai không may mắn mắc phải. Bệnh thường không gây ra triệu chứng cho đến khi tình trạng đã nặng hơn và có biến chứng nguy hiểm.
Khi mắc bệnh thận mạn tính, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như: Thiếu máu, bệnh xương, tăng huyết áp, phù nề, thần kinh bị tổn thương,... Người bệnh thường cảm thấy tê yếu tay chân, có cảm giác nóng rát, khó chịu hay bứt rứt ở bàn chân. Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây ra suy thận mạn tính. Đây cũng là hậu quả do bệnh thận gây ra, làm tổn thương đến tim và mạch máu.
Theo bác sĩ Võ Hoài Ân, Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận, bệnh suy thận thường xuất hiện triệu chứng khi đã ở các giai đoạn nặng. Chúng ta thường tình cờ phát hiện bệnh suy thận qua những lần đi khám sức khỏe định kỳ hay xét nghiệm các bệnh khác. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm, sự tiến triển đến bệnh suy thận mạn tính đã được chậm lại.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi phát hiện mắc bệnh thận đã không đi chữa tại bệnh viện mà điều trị bằng các loại lá cây, thuốc nam. Bác sĩ Võ Hoài Ân cho biết, đây là cách trị bệnh vô thưởng vô phạt, hiệu quả không cao. Đồng thời, việc uống thuốc nam cũng có thể khiến bệnh thận diễn biến nặng hơn và để lại nhiều biến chứng, gây khó khăn cho việc điều trị.
Một số trường hợp mắc bệnh thận và uống thuốc nam đã chữa khỏi. Tuy nhiên, bệnh thận rất phức tạp, có một số bệnh thận chỉ cần điều trị các triệu chứng là có thể tự khỏi, tỉ lệ này đạt từ 80-90%. Các trường hợp này thận vẫn còn đủ khỏe để tự hồi phục. Do đó, những người bị bệnh thận, suy thận rồi uống thuốc nam và lành bệnh là rơi vào 80-90% này. Nếu bệnh nhân rơi vào 10-20% còn lại mà không điều trị đúng cách thì sẽ gây biến chứng, dẫn đến suy thận, lúc này bắt buộc phải chạy thận để kéo dài sự sống.
Trong việc điều trị bệnh thận cũng như suy thận cần lưu ý, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị. Khi chức năng thận đã giảm, cần có biện pháp để giúp cơ thể loại bỏ muối, nước dư thừa và sản phẩm giáng hóa có trong máu bằng cách điều chỉnh lượng dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần uống theo toa của bác sĩ điều trị, đảm bảo tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Đồng thời, khi còn khả năng đi đứng, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe, giảm huyết áp và cải thiện giấc ngủ.