Ăn nhiều nhưng không tăng cân lợi hay hại?
Nhiều người trong chúng ta thường mắc phải tình trạng ăn nhiều, ăn rất ngon nhưng vẫn gầy, không thể tăng cân. Đây có thể là lợi thế với các bạn nữ vì được ăn thoải mái mà dáng vóc luôn thon thả. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, đây là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm phổ biến.
Theo bác sĩ Trần Văn Sáng, Chuyên khoa Nội tổng quát Virginia Hoa Kỳ, dấu hiệu sớm nhất để phát hiện bệnh tiểu đường là khi ăn xong thấy mệt, buồn ngủ, mắt mờ. Nguyên nhân là khi đường huyết tăng, cơ thể nhanh chóng rơi vào trạng thái mệt mỏi và buồn ngủ.
Bên cạnh đó, một dấu hiệu khác không thể bỏ qua là ăn nhiều, đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng vẫn gầy. Đây là triệu chứng thường biểu hiện ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 1.
Nguyên nhân là cơ thể không thể sản xuất insuline nên các tế bào không có đủ glucose để tạo ra năng lượng. Do đó, cơ thể phải dị hóa protein, lipid để đảm bảo cung cấp năng lượng cho hoạt động sống dẫn đến giảm khối lượng cơ và mỡ dưới da.
Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, do cơ thể vẫn sản xuất được insuline nhưng bị rối loạn chuyển hóa, không đáp ứng được quá trình nạp glucose vào tế bào nên khó có thể tăng cân.
Nếu để lâu hơn, bệnh tiểu đường sẽ có những triệu chứng: Đi tiểu nhiều, uống nước nhiều,… Nguyên nhân là đường trong máu tăng cao, lượng hormone insuline tiết ra không đủ để làm nhiệm vụ đưa glucose vào tế bào, đến một ngưỡng nhất định sẽ đào thải qua nước tiểu. Áp lực thẩm thấu máu tăng cao kéo nhiều nước vào lòng mạch nên bệnh nhân có thể đi tiểu liên tục và có thể lên đến 5-7 lít/ngày.
Do đi tiểu nhiều, bệnh nhân mất nước và khát nên phải uống nước liên tục. Đặc biệt, họ rất thích uống nước ngọt.
Biến chứng tiểu đường nặng nề nếu không kiểm soát tốt
Tiểu đường là gì?
Tiểu đường (đái tháo đường) là căn bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính phổ biến. Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp khiến lượng đường huyết tăng cao.
Có hai loại tiểu đường nguy hiểm là: Tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Tiểu đường tuýp 1 thường xảy ra ở trẻ em, nguyên nhân xảy ra là khả năng sản xuất hormone insulin của cơ thể. Nếu không có đủ lượng insulin cần thiết, lượng đường dư thừa trong máu sẽ gây tác động xấu đến cơ thể.
Trong khi đó, bệnh tiểu đường tuýp 2 lại xuất phát từ khả năng sử dụng hormone insulin một cách hợp lý của cơ thể. Những người bị tiểu đường tuýp 2 có thể sản xuất ra hormone này nhưng không thể kiểm soát được quá trình điều hòa đường trong máu.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Biến chứng của tiểu đường rất nguy hiểm. Nếu không theo dõi và kiểm soát tốt, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm tác động lên toàn bộ cơ thể (tim, gan, mắt, thần kinh,….), ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, thậm chí là sự an nguy của tính mạng.
Một trong những cơ quan bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường là hệ tim mạch. Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, đột quỵ. Đây là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong hay để lại những di chứng tật nguyền.
Mức đường dư thừa có thể làm tổn thương các thành mao mạch nuôi dưỡng dây thần kinh dẫn đến ngứa, tê tay chân, thậm chí xuất hiện những cơn đau từ các đầu ngón tay, chân lan rộng lên trên. Biến chứng của tiểu đường còn tác động đến dây thần kinh liên quan đến hệ tiêu hóa, gây ra buồn nôn, tiêu chảy, táo bón.
Tiểu đường còn tác động đến thận - cơ quan quan trọng trong hệ bài tiết. Thận chứa hàng triệu cụm mạch máu có chức năng lọc chất thải ra khỏi máu. Khi bị tiểu đường, hệ thống lọc của thận theo thời gian sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh nguy hiểm hơn là suy thận.
Ngoài ra, biến chứng tiểu đường còn làm tổn tương các mạch máu của võng mạc đến giảm thị lực, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,... thậm chí mù lòa.
Do đó, khi ăn uống rất nhiều, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với chế độ sinh hoạt điều độ mà không thấy tăng cân, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh. Một trong những nguyên nhân tiêu biểu chính là bệnh tiểu đường.