Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động
Sáng nay (14/11), nhiệt độ tại TP.HCM mặc dù ở mức cao nhưng vẫn xuất hiện hiện tượng bầu trời mù mịt. Người đi đường không quan sát rõ các tòa nhà cao tầng. Dòng người đi làm che kín mặt bằng nhiều lớp khẩu trang nhằm ngăn ngừa nguy cơ bụi mịn trong không khí có thể xâm nhập vào cơ thể.
Theo đài khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, nguyên nhân do cơn mưa ngày 13/11 xuất hiện khiến độ ẩm tăng cao kéo theo tình trạng các lớp bụi, chất thải tích tụ gây ra hiện tượng mù quang hóa.
Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí tại TP.HCM 9 tháng đầu năm 2019 đã ghi nhận ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chủ yếu do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc tại các vị trí Cái Lát, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, An Sương, Gò Vấp, Bình Phước luôn mang giá trị cao, thường xuyên vượt quy chuẩn.
Trước đó tại Hà Nội, theo nhận định của Tổng cục Môi trường, Hà Nội vừa trải qua một tuần ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng với mức ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Trong sáng ngày 12/11, kết quả quan trắc chất lượng không khí tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía bắc đã nổi bật màu tím ở mức nguy hại. Đặc biệt, một số điểm ở Hà Nội ghi nhận ô nhiễm không khí ở mức nguy hại màu nâu – mức cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí.
Nguy cơ ô nhiễm không khí đối với bà bầu và trẻ em
Chia sẻ về tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe mẹ bầu và bé, ThS.BS Nguyễn Quang Minh, Giảng viên Bộ môn Tai Mũi Họng - Khoa Y ĐHQG TP.HCM, cho biết: "Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã cho thấy các tác động nguy hiểm của không khí ô nhiễm. Đặc biệt là tác động đáng kể trên phụ nữ mang thai cũng như trẻ em".
Không khí ô nhiễm đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Điển hình không khí ô nhiễm bao gồm rất nhiều thành phần như: Ozone, các vật chất dạng hạt (particulate matter), khí NO2, SO2, khí thải từ các phương tiện giao thông, khí thải từ các tòa nhà hoặc công trình xây dựng, khói thuốc lá, bụi mịn và hóa chất. Chúng ta có thể hít phải không khí ô nhiễm ở bất kỳ nơi đâu, từ thành thị đến nông thôn.
Theo bác sĩ Minh, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm kéo dài có thể gây nên các triệu chứng như ho, hắt hơi, ngứa mắt, ngứa mũi, các bệnh lý hô hấp như viêm phế quản, hen, khí phế thũng, thậm chí là ung thư.
Đặc biệt, đối với phụ nữ trong thai kỳ và trẻ em, bác sĩ Minh cảnh báo không khí ô nhiễm có thể gây một số tác động cực kỳ nguy hiểm.
Trẻ sinh ra bị nhẹ cân: Trung bình, mỗi năm ở châu Mĩ có 1 trong 12 trẻ bị nhẹ cân lúc sinh do rất nhiều nguyên nhân trong đó có yếu tố nguy cơ là tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Bắc Kinh – một trong những thành phố ô nhiễm hàng đầu trên thế giới cũng cho thấy có mối liên quan rất chặt chẽ giữa tình trạng nhẹ cân lúc sinh của trẻ và sự tiếp xúc với không khí ô nhiễm của người mẹ lúc mang thai.
Sinh non: Nghiên cứu của Viện môi trường Stockholm thuộc Đại học York cho thấy: Gần 3 triệu trẻ em bị sinh non mỗi năm do ô nhiễm không khí. Khoảng 18% các trẻ này có liên quan đến việc tiếp xúc với không khí có chứa các vật chất dạng hạt của người mẹ lúc mang thai.
Bệnh tự kỉ: Nghiên cứu của Đại học Harvard đã cho kết quả đáng báo động. Đó là khi người mẹ đang mai thai tiếp xúc với không khí ô nhiễm có chứa các vật chất dạng hạt trong suốt tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ, đứa trẻ sinh ra có nguy cơ bị tự kỉ cao gấp 2 lần. Đặc biệt khi người mẹ sống gần các xa lộ, nơi mà các vật chất dạng hạt xuất hiện với tỉ lệ cao nhất.
Hen: Không khí ô nhiễm có thể làm khởi phát các cơn hen. Việc khởi phát các cơn hen trong thai kỳ có thể gây nên tiền sản giật. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm gây tăng huyết áp, suy các chứng năng gan, thận.
"Nếu hen không được kiểm soát có thể gây thiếu oxy cho em bé dẫn tới thai chậm phát triển, sinh non hoặc nhẹ cân. Các nghiên cứu cũng cho thấy người mẹ tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm gia tăng khả năng mắc hen của trẻ sau này vì các vật chất dạng hạt có thể đi qua nhau thai", bác sĩ Minh thông tin.
Các vấn đề sinh sản: Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ hoặc thậm chí có thể gây sảy thai ở phụ nữ trong thai kỳ.
Bà bầu nên làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ xuất hiện tại hai thành phố lớn mà còn đang tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương ở nước ta. Để phòng tránh nguy cơ ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe, bác sĩ Minh khuyên bà bầu nên thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:
Cập nhật các thông tin hoặc bảng tin về ô nhiễm không khí mỗi ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, báo chí, internet. Đồng thời hạn chế ra đường, nên ở trong nhà khi ô nhiễm ở mức cao.
Bà bầu nên hạn chế thời gian trong ô tô, tránh xa các khu vực có mật độ giao thông cao nhằm hạn chế tiếp xúc với khí thải từ các phương tiện giao thông.
Khi đi ra ngoài nên sử dụng các phương tiện để bảo vệ như nón, khẩu trang,…
Sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị cơ học hoặc sử dụng nguồn năng lượng bằng điện thay vì các máy móc sử dụng nguồn năng lượng từ xăng dầu.
Loại bỏ ô nhiễm không khí từ nấu ăn bằng cách sử dụng quạt hút và đảm bảo khu bếp gia đình luôn thông thoáng.
Tránh sử dụng nhiều các sản phẩm có hương thơm như nước hoa, dung dịch làm mát không khí, nước lau sàn, chất tẩy rửa vì chúng có thể chứa các hóa chất độc hại.
Nên sử dụng các chất tẩy rửa tự nhiên như giấm, baking soda hoặc lựa chọn những nhãn hiệu không chứa chất độc hại, an toàn cho bà bầu.
Đảm bảo hệ thống bếp ga, lò sưởi, điều hòa không khí luôn hoạt động tốt và được bảo dưỡng thường xuyên. Sử dụng máy lọc không khí tại nhà nếu thấy cần thiết.