Nguyên nhân bà bầu bị chảy máu cam
Theo thống kê, có khoảng 20% bà bầu bị chảy máu cam từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự thay đổi hormone nội tiết tố. Thành phần estrogen và progesterone tiết ra nhiều trong quá trình mang thai khiến các mạch máu mở rộng, dễ bị vỡ hơn.
Các mạch máu mũi giãn nở làm tăng quá trình sản xuất và lưu thông máu để nuôi cơ thể mẹ và thai nhi sẽ tạo áp lực lên thành mạch. Do đó nguy cơ chảy máu cam ở bà bầu tăng cao. Bà bầu có thể bị chảy máu cam khi thời tiết chuyển mùa lạnh, khô hoặc ngồi trong phòng máy lạnh có độ ẩm thấp.
Các chứng bệnh tăng huyết áp, rối loạn đông máu hoặc một số chấn thương khác cũng là nguyên nhân khiến bà bầu bị chảy máu cam. Việc sử dụng một số lại thuốc như aspirin, warafin, các thuốc chống viêm không steroid hoặc sử dụng các loại thuốc làm thông mũi, thuốc xịt mũi cũng gây ra tình trạng này.
Bà bầu bị chảy máu cam có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, bà bầu bị chảy máu cam thông thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể làm gia tăng nguy cơ sản phụ bị băng huyết sau sinh. Bà bầu liên tục bị chảy máu cam trong tam cá nguyệt thứ ba có thể phải sinh mổ.
Bà bầu bị chảy máu cam từ 2 – 3 lần/tuần có thể do một số căn bệnh mạn tính trong cơ thể gây nên. Nếu chảy máu cam nhiều hơn 4 lần/tuần cần lập tức đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Cách xử lý khi bà bầu bị chảy máu cam
Khi bất ngờ bị chảy máu cam, bà bầu không nên hoảng hốt mà hãy bình tĩnh ngồi xuống ghế, nghiêng đầu về phía trước, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt phần bên trên lỗ mũi trong 20 phút. Tuyệt đối không ngửa cổ ra sau kẻo nuốt phải máu gây nôn mửa.
Sau khoảng 20 phút, máu sẽ đông lại. Bà bầu cũng có thể dùng một túi nước đá chườm lên mũi để làm dịu. Trong vòng 12 giờ tiếp theo, không nên để đầu ở vị trí thấp hơn tim, tránh xì mũi nhằm hạn chế chảy máu. Nếu máu tiếp tục chảy sau 20 phút, máu nhiều ở phần sau mũi hoặc máu trào ngược ra miệng chị em nên đến bệnh viện cấp cứu.
Để ngăn ngừa hiện tượng chảy máu cam trong thai kỳ, bà bầu cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước và không để mũi quá khô. Khi cần thiết, bà bầu có thể sử dụng vaseline bôi lên thành mũi để dưỡng ẩm, làm mềm da và đảm bảo độ ẩm nhất định trong không gian sống.