Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.
Tiến sĩ Francesco Branca (Giám đốc Ban Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của WHO) cho biết, khoa học vẫn đang tiếp tục mở rộng để đánh giá các yếu tố khởi phát hoặc tạo điều kiện cho bệnh ung thư phát triển. Hy vọng rằng có thể giảm thiểu số người mắc và tử vong vì bệnh ung thư trên thế giới.
WHO cảnh báo khả năng gây ung thư từ chất tạo ngọt
Mới đây WHO đã công bố kết quả nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) và nhóm nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), để xếp chất tạo ngọt aspartame vào danh sách chất có khả năng gây ung thư.
Cụ thể, IARC phân loại aspartame là chất có thể gây ung thư cho người (Nhóm 2B) trên cơ sở bằng chứng hạn chế về ung thư ở người. Cụ thể là ung thư biểu mô tế bào gan, một loại ung thư gan. Ngoài ra, cơ quan này cũng có bằng chứng hạn chế về việc chất này có thể gây ung thư cho động vật thí nghiệm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hiện chưa có đủ bằng chứng thuyết phục cho thấy chất aspartame gây hại khi tiêu thụ dưới 40mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Như vậy, với hàm lượng này, một người trưởng thành với cân nặng 70kg tiêu thụ hơn 12 lon nước ngọt dành cho người ăn kiêng mỗi ngày thì phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư.
Aspartame thường chứa trong những loại thực phẩm nào?
Aspartame được phát hiện vào năm 1965 bởi nhà hóa học người Mỹ James Schlatter, aspartame ngọt hơn khoảng 200 lần so với đường ăn thông thường. Nó đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt vào năm 1974. Chất này được sử dụng làm chất làm ngọt và làm chất phụ gia trong kẹo cao su, ngũ cốc ăn sáng và chất nền khô cho thực phẩm.
Mặc dù có vị ngọt đậm nhưng aspartame có giá trị năng lượng gần như bằng không và không có dư vị đắng như saccharin. Chúng ngày càng trở nên phổ biến khi người tiêu dùng có ý thức ăn kiêng hơn.
Aspartame thường được sử dụng để làm kem, kẹo cao su, soda ăn kiêng, soda không đường, ngũ cốc, chất làm ngọt cà phê ít calo, bánh pudding, món tráng miệng không đường, mứt không đường...
Ngoài aspartame, dưới đây là những chất được WHO xếp vào nhóm gây ung thư
1. Acrylamide: Nhóm 2A
Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), acrylamide được xếp loại vào nhóm 2A - nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người".
Độc tính acrylamide ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống thần kinh và hệ thống sinh sản. Cũng có nhiều nghiên cứu chứng minh tiêu thụ nhiều acrylamide có liên quan đến sự phát triển ung thư ở động vật.
Acrylamide là một hóa chất có thể xuất hiện trong thực phẩm, hình thành từ đường và một loại axit amin (asparagine) sau quá trình chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, rang và nướng. Không phải thực phẩm sống hoặc thực phẩm được nấu chín bằng cách hấp hoặc luộc. Ngoài thực phẩm, acrylamide cũng có thể tìm thấy trong các sản phẩm nhựa, sản phẩm gia dụng, làm đẹp, công nghiệp và dệt may.
2. Aflatoxin: Nhóm 1
Aflatoxin được Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp vào nhóm gây ung thư số 1 - là nhóm đầy đủ bằng chứng để khẳng định có gây ung thư cho con người. Aflatoxin sinh ra bởi nấm Aspergillus flavus và A. parasiticus.
Khi quan sát bằng mắt thường, nấm aspergillus thường có màu xanh lá cây, aspergillus sản sinh aflatoxin không mùi, không vị, không màu. Nhiệt độ để có thể tiêu diệt aflatoxin là 280 độ C, chính vì thế phương pháp nấu và chế biến thông thường không thể phá hủy độc tính của chất độc này.
IARC cho biết, tiếp xúc lâu dài với nồng độ cao của aflatoxin có thể gây ung thư gan. Chỉ cần tiêu thụ vào cơ thể 1mg qua đường ăn uống cũng đủ để gây ung thư. Một người có cân nặng 70kg sẽ chết nếu tiêu thụ 20 miligam aflatoxin.
3. Benzopyrene: Nhóm 1
Benzopyrene có thể gọi tắt là BaP, nó là một hydrocarbon thơm đa vòng. Được sản xuất sau quá trình đốt cháy không hoàn toàn chất hữu cơ ở nhiệt độ từ 300 độ C (572 độ F) đến 600 độ C (1.112 độ F).
Benzopyrene có thể được tìm thấy trong than đá, khói thuốc lá và nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là thịt nướng như gà nướng, cá nướng, sườn nướng - những món ăn yêu thích của nhiều người.
Phần cháy khét của thịt nướng có chứa các amin dị vòng và hydrocarbon thơm đa vòng - đây là loại chất có khả năng gây bệnh ung thư cao, đặc biệt ung thư đường tiêu hóa. Sau khi vào cơ thể, chất này sẽ tạo ra một số lượng lớn các phân tử trung gian, làm thay đổi cấu trúc của tế bào đích và gây ung thư. Do đó, phương pháp hấp, luộc thực phẩm vẫn được giới chuyên gia đánh giá cao trong việc bảo vệ sức khỏe và chống ung thư.