Từ lâu đậu đen được biết đến là thực phẩm nhiều protein, chất xơ cùng dưỡng chất khác có lợi cho sức khoẻ. Sử dụng nước đậu đen giúp cho làn da trở nên mịn màng hơn. Đậu đen tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được. Vậy, ai không nên ăn đậu đen?
Thành phần dinh dưỡng của đậu đen
Thành phần dinh dưỡng của một nửa cốc (86g) đậu đen nấu chín gồm:
- Năng lượng: 114 kilocalories
- Chất đạm: 7,62 g
- Chất béo: 0,46 g
- Carbohydrate: 20,39 g
- Chất xơ: 7,5 g
- Đường: 0,28 g
- Canxi: 23 mg
- Sắt: 1,81 mg
- Magiê: 60 mg
- Phốt pho: 120 mg
- Kali: 305 mg
- Natri: 1 mg
- Kẽm: 0,96 mg
- Thiamin: 0,21 mg
- Niacin: 0,434 mg
- Folate: 128 msg
- Vitamin K: 2,8 mg
Đậu đen cũng cung cấp nhiều loại dinh dưỡng thực vật như saponin, anthocyanins, kaempferol và quercetin, tất cả các hợp chất này đều có đặc tính chống oxy hóa.
Cũng giống như nhiều loại đậu khác, đậu đen chứa tinh bột, một dạng carbohydrate phức tạp. Tinh bột hoạt động như kho dự trữ năng lượng đốt cháy chậm, cho nên cũng được cơ thể tiêu hóa chậm, ngăn chặn sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu.
Ai không nên ăn đậu đen?
Bài viết nói về đậu đen của BS.CKII. Huỳnh Tấn Vũ trên Báo Sức khỏe & Đời sống nêu, không có loại thực phẩm nào hoàn hảo, không có loại thuốc nào trị bách bệnh. Khi sử dụng đậu đen thường xuyên chúng ta cần cẩn trọng.
Cần ăn uống đa dạng, nếu sử dụng đậu đen liên tục dài ngày sẽ không tốt cho sức khỏe. Đối với huyết áp, đậu đen chứa lượng natri thấp, có lợi cho huyết áp.
Uống nước đậu đen chỉ nên sử dụng như nước giải khát, mỗi tuần sử dụng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 100-250ml, vừa đủ, không gây cảm giác no. Không dùng nước đậu đen thay thế nước uống hàng ngày, vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất trong cơ thể.
Nước đậu đen nên được uống bình thường, không pha thêm đường. Người có bệnh tiểu đường không nên pha đường vào nước đậu đen. Nước đậu đen có tác dụng lợi tiểu, người có bệnh về thận cần thận trọng khi sử dụng.
Thời gian lý tưởng để sử dụng đậu đen với các thực phẩm khác là cách nhau khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trong đậu đen chứa phytat, sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Phytat gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho (không nên dùng nước đậu đen để uống các loại thuốc có chứa sắt, kẽm, can, đồng, canxi hoặc sử dụng thực phẩm có chứa các chất này )…
Người mắc bệnh viêm đại tràng, đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém không dùng đậu đen. Hàm lượng protein trong đậu đen cao khiến cho người già, trẻ em hay người có thể trạng yếu, sẽ khó tiêu thụ hết lượng protein trong đậu đen. Khi uống nước đậu đen dễ gây ra vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.
Trên thực tế, không có loại thực phẩm nào hoàn hảo, không có loại thuốc nào trị bách bệnh. Hạt đậu đen cũng không ngoại lệ.
Khi có các vấn đề sức khỏe, người bệnh cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt, vận động. Tìm đến sự thăm khám, điều trị, tư vấn của các chuyên gia, thầy thuốc có kiến thức, kinh nghiệm thay vì tin và áp dụng các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.