Gần đây, nhiều vụ tai nạn trong trường học dẫn đến thương tích, thậm chí là cái chết thương tâm cho học sinh khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Như vụ học sinh bị ô tô chèn vào chân ở sân trường gây gãy chân, vụ sập trần, tường đổ, gãy nhánh cây, điện giật, sập sân khấu… Gần nhất là cái chết của cậu bé 6 tuổi vừa bước vào lớp 1 bị bỏ quên trên ô tô hay 3 trẻ mầm non ở Duy Tiên, Hà Nam bị bỏng do giáo viên đốt cồn trong buổi học phòng cháy chữa cháy…'
Bên cạnh các tai nạn bất ngờ trong nhà trường thì không ít cha mẹ lo đứng lo ngồi khi các vụ xâm hại, dâm ô diễn ra ở trường học không phải là hiếm. Chị Trịnh Hoài An (Khương Trung, Hà Nội) cho biết: Trường học lẽ ra phải là nơi an toàn cho trẻ nhưng thực sự đang đầy rẫy những nguy cơ mất an toàn. Sáng đưa con đi học, chỉ đến khi chiều đón con về nhà an toàn thì chúng tôi mới thấy yên tâm.
Chia sẻ về các tai nạn trong trường học, TS. Vũ Thu Hương cho biết, có rất nhiều tai nạn mà cha mẹ và giáo viên không lường trước được. Đầu tiên là các vụ tai nạn do trẻ con tự trèo leo và ngã cầu thang, ngã lan can, ngã ở trong lớp, đập mặt xuống đâu đó… Sau đó là những tai nạn do các thiết bị hỏng hóc như đinh ở bàn ghế, ổ điện, quạt, điều hòa… Tiếp đến là các tai nạn do xô đẩy, chơi các trò nguy hiểm ngoài sân trường…
TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh, việc đảm bảo an toàn là trách nhiệm của nhà trường. Các vụ tai nạn bất ngờ trong nhà trường cần phải được hạn chế đến mức thấp nhất, thông qua việc thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và kịp thời khắc phục, thay thế các thiết bị, phương tiện hư hỏng, thiếu an toàn. Đã có nhiều trường họ thiết kế các thiết bị an toàn cho học sinh như lưới ở lan can cầu thang hoặc làm lan can cao quá đầu người lớn.
Con ngã, con trượt chân, nhiều cha mẹ đổ lỗi cho giáo viên đã không để mắt đến con. Tuy nhiên, TS.Vũ Thu Hương cho rằng, giáo viên không thể có trăm mắt nghìn tay để quản lý và ôm chặt các cháu mọi lúc mọi nơi. Người duy nhất có thể giúp trẻ an toàn là chính trẻ. Bởi chỉ có chính mình mới đem lại an toàn cho mình. Ngoài ra, không có bất kể ai giúp mình tốt hơn được. Điều đó luôn đúng từ lúc trẻ còn nhỏ cho đến khi các con trưởng thành.
Theo TS Vũ Thu Hương, phương pháp tốt nhất để xử trí vấn đề này vẫn là giáo dục kĩ năng đảm bảo an toàn cho học sinh. “Nếu việc này được làm thường xuyên và liên tục thì học sinh sẽ sớm hình thành kĩ năng và có thể sống, sinh hoạt, học tập an toàn trong nhà trường cũng như ở môi trường khác. Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng đảm bảo an toàn cho học sinh hiện nay ở các trường chưa được chú trọng. Điều mà các phụ huynh và giáo viên chỉ quan tâm đến kiến thức và điểm số. Còn kĩ năng là thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ và mới bắt đầu được quan tâm mấy năm gần đây”.
Thế mới có chuyện giáo viên không có kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu hỏa lại đốt cồn để dạy trẻ khiến 3 trẻ mầm non bị bỏng nặng. “Giáo viên trẻ giờ cũng được lớn lên trong những gia đình chiều chuộng và bao bọc. Vì thế, kĩ năng của họ thực sự quá kém cỏi so với lứa giáo viên lớn tuổi đã về hưu. Như vậy thì việc rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ nguy hiểm như cho trẻ đi trên lưỡi dao”, TS Vũ Thu Hương e ngại.
Trước việc các phụ huynh rầm rầm đổ lỗi cho nhà trường- môi trường học đường mất an toàn với trẻ- TS. Vũ Thu Hương cho biết, ở nơi nào, môi trường nào cũng không thể lí tưởng toàn tập và an toàn tuyệt đối được. Bộ GD- ĐT chỉ nên có khuyến cáo các bố mẹ dạy con kĩ năng sống tại nhà, kiểm tra đánh giá kĩ năng trẻ trước khi vào lớp 1 (kém kĩ năng quá thì không cho vào lớp 1), kiểm tra kĩ năng lớp 5, lớp 9 để thúc đẩy việc rèn luyện kĩ năng sống ở nhà và ở trường cho trẻ.