Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định chuẩn bị tâm lý cho con sẵn sàng, vui vẻ vào lớp 1 là điều phụ huynh cần làm. Điều này sẽ tạo cảm hứng yêu trường lớp cho con, giúp con hòa nhập với môi trường mới.
Bởi nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, con vào lớp 1 sẽ vô cùng vất vả. TS. Thu Hương đã từng gặp trường hợp bé trai nhập học lớp 1 nhưng không biết…nhai do mẹ cho ăn cháo và cơm nghiền suốt 6 năm đầu đời. Con thật sự gặp khó khăn khi không thể ăn bất cứ thứ gì ở trường.
Có bạn thấy sách đẹp là xé hoặc cắt ra. Có bạn ngồi cả buổi gọt bút chì đến khi quá ngắn, không viết được nữa. Phần lớn các bạn liên tục mất đồ dùng học tập, vẽ linh tinh vào sách vở.
“Từ chỗ chơi tự do đến chỗ ngồi im trong lớp, có bài tập phải làm là một khoảng cách cực xa. Việc các bạn nhỏ không chấp nhận nổi và cũng không chịu làm bài tập sẽ kéo theo roi vọt, quát mắng của bố mẹ. Từ đây, trẻ stress là điều dễ hiểu”, TS. Thu Hương cho biết.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên quá căng thẳng khi đồng hành với con vào những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời đi học.
“Phụ huynh hãy đưa con đến trường để con thỏa sức ngắm nghía, rồi đưa con đi sắm dụng cụ học tập. Bọc vở, dán nhãn đều rất thú vị vì là công việc mới tinh của con. Chuẩn bị một bữa tiệc và một gói quà chúc mừng con vào lớp 1. Những điều đó sẽ khiến con cảm thấy vào lớp 1 là điều tuyệt vời”, Tiến sĩ Thu Hương gợi ý.
Ngày khai giảng năm học mới đang đến rất gần. Bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý, con cũng cần được dạy những kỹ năng rất cần thiết khi vào lớp 1.
Tự tìm lối thoát hiểm
Bất kể môi trường nào cũng tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Phụ huynh hãy hướng dẫn con cách tìm lối thoát hiểm như tìm cửa ra vào, lắng nghe lời cô giáo hướng dẫn trong thời điểm khẩ cấp, cách sử dụng thang máy đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp.
Sử dụng nhà vệ sinh
Con cần được hướng dẫn cách sử dụng nhà vệ sinh ở trường học, xếp hàng theo thứ tự, không chen ngang.
“Nếu nhà vệ sinh của nhà trường chưa thực sự sạch sẽ, cha mẹ nên khuyên con cố gắng, dội nước sạch trước và sau khi sử dụng, tuyệt đối không nhịn, chờ đến khi trở về nhà vì như vậy rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Thu Hương cảnh báo.
Đi cầu thang đúng cách
Trẻ cần được hướng dẫn kỹ năng này vì nếu đi cầu thang chen lến, xô đẩy có thể khiến trẻ bị ngã và làm các bạn xung quanh cũng ngã theo.
Tự lập ăn uống ở trường
Nếu con được cha mẹ xúc ăn suốt từ 0 – 6 tuổi thì việc ăn uống của con ở trường cấp 1 sẽ là điều rất phiền phức đối với cả con và thày cô giáo. Cô giáo tiểu học không phải là bảo mẫu như các giáo viên mầm non, cô sẽ không thể dỗ con ăn cho đủ suất.
Vì thế, dạy con ăn tự giác và đầy đủ sẽ là bài học các cha mẹ phải dạy con trước khi con bước chân vào trường tiểu học. Ngoài ra, con cũng cần được học cách ăn uống gọn gàng, lịch sự. Trước khi ăn, con phải biết cách rửa tay cho đúng cách. Sau khi ăn, con cần tự dọn bát ăn của mình, lau bàn ghế và rửa tay, rửa mặt.
Ngay từ bé, bạn hay yêu cầu con tự xúc mọi bữa ăn. Nhớ đặt đồng hồ để con ăn trong thời gian quy định, thông thường là 30 phút. Khi con ăn chậm hơn, cha mẹ cất bát và không cho con ăn thêm gì cả. Bữa sau con đói sẽ ăn đúng giờ quy định.
Làm liên tục như vậy khoảng 1 tuần, con sẽ vào nếp ăn rất nhanh mà không phải nhờ cha mẹ xúc. Tuyệt đối không cho con ăn vặt trong thời gian 1 tuần tập luyện ăn đúng giờ.
Ngủ ở trường
Con đi học tiểu học chắc chắn sẽ ăn và ngủ trưa tại trường. Các bé nào không hòa nhập được, khó ngủ trưa, sẽ bị mệt và chiều học hành khó khăn. Vì thế, các cha mẹ cần tập cho con thói quen ngủ trưa vào 1 giờ nhất định. Ở trường tiểu học, thời gian ngủ trưa sẽ là từ 12h – 13h45, nếu con có thói quen này từ trước thì con sẽ rất dễ dàng theo được.
Các con cũng cần được tập thói quen nới rộng quần áo trước khi ngủ. Nếu là mùa đông, con cần phải cởi bớt quần áo cho đỡ vướng. Chăn và gối cần được giữ sạch và chia sẻ với bạn bè.
Làm bạn với đồng phục
Khác với mầm non, học tiểu học sẽ luôn sống cùng đồng phục. Đồng phục của con sẽ là áo trắng và quần hoặc váy. Với các bé gái, các cha mẹ cần dặn con đi đứng chú ý để khỏi bị tốc váy. Khi ngồi khép chân để không bị lộ đồ lót.
Với các bé trai, các cha mẹ cần chọn áo rộng một chút để con có thể mặc thoải mái. Các con cần học cách xắn tay áo lên cao khi vận động.
Mùa hè con mặc quần sooc cũng nên chú ý chọn quần dài, nên cho con mặc quần lót để vận động thuận tiện mà không bị lộ. Áo các con mặc cần cài cúc cổ vừa đủ. Nên mở cúc cuối cùng để con có thể vận động dễ dàng mà không bị nghẹn cổ.
Giữ trật tự trong lớp
Khi lên tiểu học, các con sẽ không được tự do nói chuyện trong lớp. Với người lớn điều này quá dễ dàng nhưng với trẻ thì không dễ.
Cha mẹ có thể yêu cầu con chơi trò chơi: Im lặng là vàng. Cả nhà đang ngồi nói chuyện vui vẻ, đột nhiên người quản trò yêu cầu trật tự. Lúc đó mọi thành viên trong gia đình giữ trật tự trong một thời gian ngắn. Ban đầu là 2 phút, sau đó tăng dần lên 5 – 10 phút để trẻ làm quen với việc giữ trật tự.
Giữ gìn đồ dùng học tập
Một “tội” rất phổ biến của học sinh lớp 1 khiến cha mẹ và thày cô vô cùng phiền lòng chính là phá đồ dùng học tập. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì những đồ dùng đó quá mới lạ với trẻ. Trẻ cũng không hiểu rõ về lợi ích của từng đồ dùng. Sự tò mò đó đã khiến trẻ rất thích thú khám phá và làm hỏng các đồ dùng.
Hơn nữa, trẻ rất dễ làm mất mát đồ dùng như sách vở, bút, tẩy, bút chì…. Để tránh lãng phí, đồng thời dạy trẻ kĩ năng bảo vệ đồ dùng học tập, cha mẹ cần được học cách tự bảo quản đồ dùng, hướng dẫn con sử dụng các vật dụng vào lớp 1.
Bên cạnh đó là hướng dẫn con đặt tay lên vở làm sao để không bị quăn mép, nát vở. Yêu cầu con phải giữ vở cho sạch đẹp. Cuốn vở đó nên được giữ lại để làm kỉ niệm cho con trong tương lai.
Sắp xếp góc học tập
Các con sớm muộn cũng có bài tập về nhà. Chắc chắn cần có một góc nhỏ để các con sắp sếp đồ dùng của mình. Dạy con sắp xếp ngăn nắp góc học tập cũng là dạy con sống gọn gàng và bảo quản đồ dùng học tập của mình.
Cha mẹ hãy cùng con đi sắm một cái bàn học nhỏ và hướng dẫn con sắp xếp đồ đạc. Hãy tôn trọng quyết định của con nếu con muốn xếp đồ đạc theo ý của mình.