Theo thông tin từ Tiền Phong, khoảng 19 giờ tối 17/10, cả 5 người trên cùng ăn lẩu (trong đó gồm: nồi nước lẩu bằng xương lợn, có tiết lợn chín, sụn sườn, lòng non, nấm, cháo, rau xanh...); tại một quán ăn trên vỉa hè đường Thanh Niên, thuộc tổ 8, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn. Sau khi ăn, uống rượu được khoảng 10 phút, tất cả thực khách có dấu hiệu hoa mắt, sắc mặt tái, khô miệng, nôn; có người bị lả đi tại chỗ.
Nhận được tin báo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã điều xe đi đón bệnh nhân, đồng thời tiến hành các bước cấp cứu, điều trị. Hiện các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định và được tiếp tục theo dõi xử lý diễn biến tiếp theo. Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn đang phối hợp để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Dẫn tin từ Sức khỏe Đời sống, ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn, là tình trạng gây ra do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh, bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, chất phụ gia…
– Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm men và nấm mốc).
– Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…).
– Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như cá nóc, cá cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu….
– Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học: Do thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng; xuất phát từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể do chất bảo quản, chất ép chín trái cây nhanh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phụ gia…