* Tôi đã chứng kiến một người bạn giảm thành công 5kg sau hai tháng áp dụng. Xin hỏi bác sĩ, phương pháp này có gây tác hại gì không?
Nguyễn Thu Hương (TP.Hà Nội)
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Thúy Hòa, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, trả lời: Về bản chất, Keto là sự đốt cháy mỡ để thay thế gluco. Tức không cần đưa nhiều gluco vào cơ thể mà vẫn có năng lượng, nguồn năng lượng này lấy từ chất béo. Với chế độ ăn như thế có thể giúp một số người giảm cân trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, cho tới nay, tại Việt Nam chưa có công bố nghiên cứu nào về Keto. Thực tế, não cần 140g và tim cần 40g tinh bột để hoạt động. Hai bộ phận quan trọng nhất của cơ thể cần gluco mà chúng ta lại không cung cấp mà lấy năng lượng từ protein và lipid. Khi chúng ta thay đổi chuyển hóa bất thường so với cấu trúc cơ thể đã được định sẵn, tạo ra con đường chuyển hóa mới thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Trong cuốn sách nổi tiếng Nghịch lý rau củ quả, bác sĩ Steven R. Gundry đã nghiên cứu bữa ăn của một số bộ tộc. Trong đó, ông đã nghiên cứu một số người sử dụng chế độ ăn giảm cân giống như Keto. Sau một thời gian, quay lại chế độ ăn như ban đầu thì có hiện tượng bệnh mạch vành nổi lên.
Do đó, nếu muốn giảm cân, thay vì Keto, bạn nên tăng cường vận động. Nếu quá miệt mài với công việc, thì 45 phút nên đứng dậy hoạt động. Bên cạnh đó, cần uống nước đầy đủ, ăn nhiều chất xơ, vitamin, khoáng. Quá trình chuyển hóa vận hành tốt là cách tốt nhất để chất béo không tồn đọng trong cơ thể.