Hè là khoảng thời gian rảnh rỗi, trẻ được vui chơi thoải mái nhưng lại là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Hầu hết trẻ thường ở nhà chơi cùng người thân. Với bản tính hiếu động, trẻ thường rất nghịch ngợm và không tránh khỏi những tai nạn nguy hiểm. Lúc này cha mẹ hãy bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn sau

Ngã

Nếu trẻ ngã rồi bất tỉnh, nôn ói, có máu chảy ra ở miệng hoặc mũi, tai, tay chân co giật cần phải lập tức đưa trẻ tới phòng cấp cứu. Trong khi di chuyển hoặc chờ đợi bác sĩ tới, tránh không di động trẻ.

Tư thế trẻ: Đặt trẻ nằm thẳng người, nghiêng mặt về một bên để nếu trẻ nôn hoặc bị chảy máu mũi, chảy máu miệng, chất lỏng không vào được trong họng để xuống phổi. Lưu ý không được cho trẻ ăn hay uống bất cứ thứ gì.

Trẻ bị ngã đập đầu xuống đất nếu bị ngất, dù trong thời gian ngắn cũng phải đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay. Nhìn bên ngoài, chỗ va chạm không có dấu hiệu gì là vết thương nặng nhưng có thể trẻ đã bị chấn thương sọ não.

Trong thời gian tiếp theo, cần phải chú ý theo dõi xem trẻ có các hiện tượng như nôn, ói, sốt, co giật, sắc mặt tái dần, giấc ngủ không yên hoặc ngủ mê mệt không.

Trong 24 giờ của ngày đầu, cần phải theo dõi liên tục, thỉnh thoảng lại gọi xem trẻ có tỉnh lại không vì nếu có hiện tượng chảy máu trong não, trẻ có thể ngủ thiếp đi rồi chuyển sang trạng thái hôn mê.

Trẻ bị ngã đập đầu cần theo dõi trong vòng 24 giờ - Ảnh minh họa: Internet

Nếu thấy trẻ có sự thay đổi thái độ đột ngột, tự nhiên tỏ ra bàng quan với mọi thứ xung quanh hoặc tự nhiên vật vã, kích thích, mắt nhìn bỗng bị rối loạn, cha mẹ cần phải gọi bác sĩ ngay.

Gãy răng

Gãy răng là một trong những chấn thương phổ biến khác ở trẻ em. Gần 50% trẻ em sẽ gặp một số loại tai nạn răng trong thời thơ ấu, bao gồm: Gãy, sứt, mẻ răng.

Nếu đó là một chiếc răng sữa bị rụng hoàn toàn, cha mẹ đừng cố gắng đặt nó trở lại trong lợi. Ngược lại, nếu đó là chiếc răng vĩnh viễn, hãy cho trẻ súc miệng bằng nước sạch, đặt răng vào ổ cắm càng nhanh càng tốt và đi đến gặp nha sĩ ngay. Điều này sẽ giúp cha mẹ cứu được chiếc răng này cho trẻ.

Bỏng

Khi trẻ bị bỏng, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng, rửa sạch vết thương bằng nước sạch.

Với những vết bỏng nhẹ (diện tích nhỏ, nông), trước hết bạn cần làm mát vết bỏng bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng cho đến khi bé đã bớt đau. Nếu ở vết bỏng nổi lên một bọng nước, hãy đắp lên một miếng vải sạch, không bị xù lông và giữ chắc bằng băng dính nhưng tránh không làm vỡ bọng nước.

Mở vòi nước chảy lên vết bỏng của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ bị bỏng nặng, điều đầu tiên cần làm là cởi bỏ quần áo của trẻ, để lộ vùng bị bỏng. Những chỗ quần áo khô hoặc đã bị dính chặt vào vết bỏng tuyệt đối không được lấy ra. Làm mát vết bỏng cho trẻ bằng cách ngâm vào nước hoặc đắp khăn lạnh lên vết thương, tránh làm vỡ những nốt bỏng nước (nếu có). Sau khi sơ cứu, cha mẹ hãy chuyển ngay trẻ đến bệnh viện.