Làm gì khi trẻ bị bỏng nước sôi?
Chia sẻ về các tai nạn thường gặp ở trẻ em, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết bỏng là một trong những tai nạn thường gặp khi trẻ tập đi. Bé có thể đưa tay với lấy các đồ dùng trong bếp, bình thủy nước sôi, đồ dùng pha sữa. Bất cứ thời điểm nào, trẻ cũng có nguy cơ bỏng nước sôi nếu cha mẹ không chú ý.
Chính vì vậy, cha mẹ cần trang bị kỹ năng cơ bản xử lý khi trẻ bị bỏng, tránh làm vết thương bị nhiễm trùng. Thời điểm trẻ bị bỏng nước sôi, mẹ cần hết sức bình tĩnh và xử lý theo các bước:
Bước 1: Cha mẹ xối nước lạnh trực tiếp lên các vết bỏng hoặc đưa trẻ tới gần vòi nước để nước chảy liên tục vào vùng bị bỏng để lượng nhiệt nhanh chóng thoát đi.
Bước 2: Trường hợp nước sôi đổ lên áo, quần trẻ em, cha mẹ nên nhẹ nhàng cởi hết quần áo cho trẻ. Lượng nhiệt cao từ đó sẽ thoát ra ngoài, giảm cảm giác bỏng rát cho trẻ.
Bước 3: Thoa các thuốc đặc trị bỏng (nếu có) sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ tiến hành kiểm tra vết thương.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh cha mẹ tuyệt đối không sử dụng các phương pháp dân gian trị bỏng cho trẻ như: thoa kem đánh răng, nước mắm... vì có thể bị nhiễm trùng và làm vết thương nặng hơn.
“Nhiều người vẫn thường sử dụng mỡ trăn có sẵn để bôi lên vết bỏng. Việc làm này cũng không cần thiết. Không gì công hiệu bằng nước lạnh xối trực tiếp lên vết bỏng của bé”, bác sĩ Khanh thông tin.
Phòng tránh tai nạn bỏng nước sôi ở trẻ em
Với bản tính hiếu động, trẻ rất dễ gặp các tai nạn nước sôi nếu cha mẹ không cẩn thận. Trẻ có thể vô tình với tay gạt vào tô canh nóng, bình thủy nước sôi hoặc cho tay vào ấm đun siêu tốc....Vì vậy, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý cần để các vật dụng nguy hiểm trong nhà xa tầm tay trẻ em.
Khi cha mẹ nấu ăn hoặc vừa làm việc nhà kết hợp với việc trông trẻ, cách tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ ngồi vào cũi hoặc nhờ người nhà trông giúp, không nên làm cả hai việc cũng lúc rất dễ xảy ra những tan nạn ngoài ý muốn cho trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần quan sát mọi hoạt động của trẻ khi vui chơi trong nhà hoặc ngoài trời. Luôn đảm bảo trẻ trong tầm mắt để không xảy ra những sự cố ngoài ý muốn.