Con đường đến nơi ở hiện tại của bà Đặng Thị Hải (56 tuổi) phải đi qua nghĩa trang, xuyên qua cánh đồng mênh mông. Nơi gia đình bà coi là nhà, thực chất là một cái lán được dựng lên, ở nhờ đất dự án từ năm 2007. Nhiều năm nay, gia đình bà trông cậy vào nơi này để chăn nuôi bò, lợn, vịt, gà, cấy hái, kiếm con tôm, con tép, mớ rau phục vụ bữa ăn của gần 20 miệng ăn và bán lấy tiền sống qua ngày.

 Bà Đặng Thị Hải (56 tuổi). Ảnh: Vietnamnet. 

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà Hải bươn chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề suốt thời trẻ. Đến năm 1988, bà bén duyên với ông Ngô Doãn Năm, cuộc sống vất vả sau hôn nhân lại đeo bám hai vợ chồng.

Hai người có đứa con đầu lòng được 1 năm, không có kế hoạch sinh đẻ nên những người con tiếp theo cứ lần lượt ra đời. Sau cùng, vợ chồng bà có tới 14 mặt con, 8 trai 6 gái. Người con gái út không may qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Trong 14 lần “vượt cạn”, bà Hải chưa từng đến cơ sở y tế để sinh con. Trong số 14 lần, có 3 lần chồng bà đỡ đẻ, 7 lần bà tự đẻ rơi ngoài lều.

Con đường đến nơi ở hiện tại của bà Đặng Thị Hải (56 tuổi) phải đi qua nghĩa trang, xuyên qua cánh đồng mênh mông. Ảnh: VietNamNet. 

Về lý do sinh nhiều con, bà Hải chia sẻ, những năm về trước cuộc sống gia đình khó khăn, vợ chồng không có kế hoạch sinh nở rõ ràng, chỉ lo làm ăn. Bà kể, thực ra có lần bà từng đi triệt sản để khỏi sinh nở, khỏi vất vả nhưng bị chồng phát hiện. Ông Năm đến tận trạm xá đưa bà về, không cho làm. Từ đó, những đứa con tiếp theo của bà lần lượt ra đời, cho đến đứa thứ 14.

Hai vợ chồng vất vả chăm bẵm, nuôi các con trong cảnh thiếu thốn nhưng cuộc sống vẫn trôi qua hạnh phúc, vui vẻ. Nỗi đau và sự khổ cực chỉ thật sự đè nặng lên vai người phụ nữ kể từ ngày chồng bà đổ bệnh phải nhập viện vào năm 2013.

Có lúc gia đình bà Hải có tới 3 người nhập viện. Bà trở thành trụ cột chính trong gia đình. Ảnh: Kiến thức. 

Trong khoảng thời gian ấy, có lúc gia đình bà Hải có tới 3 người nhập viện. Bà trở thành trụ cột chính trong gia đình xoay xở chạy vạy để nuôi hơn 10 đứa con và tiền cho chồng con nằm viện.

Thế nhưng, khi đứng bên bờ vực của sự gục ngã, buông bỏ, bà Hải lựa chọn gắng gượng vươn lên trong những ngày tháng đen tối nhất đời mình. Bà Hải một mình cáng đáng mọi việc trong nhà. Khi ấy, có năm cả gia đình đón Tết dựa vào 200 nghìn đồng tiền bà đi vay mượn. Đến giờ nhớ lại, bà Hải thật sự biết ơn những người đã cho bà vay mượn từng đồng, giúp gia đình bà vượt qua khó khăn.

Năm 2014, con gái út của bà bị não úng thủy không may qua đời. Chồng bà cũng lâm bạo bệnh rồi ra đi mãi mãi sau đó 2 năm. Liên tiếp mất đi hai người thân, bà Hải cảm thấy gục ngã. Từ khi chồng mất, một mình bà gồng gánh tất cả với hy vọng các con lớn lên sẽ biết giúp mẹ, thương mẹ, để mẹ được an ủi phần nào.

Sau nhiều năm làm việc vất vả, bà cũng gom góp, vay mượn được 100 triệu mua 6 chiếc máy khâu, lát lại sàn nhà để mở xưởng may cho con làm. Con gái của bà cũng đã đi học may từ năm ngoái và bắt đầu làm việc.

Bà Hải vay mượn được 100 triệu mua 6 chiếc máy khâu, lát lại sàn nhà để mở xưởng may cho con làm. Ảnh: VietNamNe 

Nhưng số phận một lần nữa lại trêu đùa người phụ nữ bất hạnh. Năm 2021, 4 đứa con trai của bà lao vào vòng lao lý vì tội cướp tài sản. Đang làm đồng, nhận tin sét đánh, bà bỏ cả ruộng lúa cấy dở vội chạy về nhà. Nhìn các con bị dẫn đi, đứa lĩnh án tù 10 năm, đứa 6-7 năm, bà đau thấu trời, chỉ biết trách bản thân. Người con thứ 12 bỏ học vì không chịu được áp lực bị bàn tán về gia cảnh, hiện chỉ còn người con thứ 13 đang đi học lớp 7.

Bà mong rằng, sau khi những người con trai của mình mãn hạn tù trở về sẽ làm lại cuộc đời từ những chiếc máy may bà mua sắm. Ngoài việc mua được những chiếc máy may để làm việc, gia đình bà Hải còn chăn nuôi bò, lợn trong nhà. Bà cho biết khoảng 7 năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình bà đã đỡ khó khăn hơn.

Bà Hải chi biết cuộc sống của gia đình bà đã đỡ khó khăn hơn. Ảnh: Kiến thức. 

Sống nhờ trên đất dự án, bà Hải luôn sẵn tâm lý dời đi khi dự án đi vào hoạt động. Những đầm cá, ao sen mà gây dựng cũng chỉ là tạm bợ. Sinh nhiều con, cuộc sống vất vả nhưng bà Hải chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Bà cho rằng, đây là số kiếp của bà phải trải qua. Bà tin rằng mỗi người có một số phận, một hoàn cảnh riêng, bà chọn vươn lên, không than trách.

Ở cái tuổi phía bên kia "con dốc” của cuộc đời, bà Hải không có mơ ước nhiều, bà chỉ mong có sức khỏe, lo cho các con nhiều hơn trong những tháng ngày tiếp theo. Mỗi sáng tinh mơ bà đều dậy đi ra đồng làm ruộng, mò cua, bắt cá, trông vào cây lúa, đàn vịt, đàn lợn kiếm tiền mưu sinh.

Bà Hải luôn dặn lòng phải “đói cho sạch, rách cho thơm”. Ảnh VietNamNet. 

Hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà luôn dặn lòng phải “đói cho sạch, rách cho thơm”. Mỗi bữa cơm, bà lại nói với các con rằng, mình nghèo nhưng phải sống sao cho phải đạo, chịu khó làm ăn, tương trợ lẫn nhau để mẹ được an lòng.