Theo thông tin từ Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, từ ngày 1/4, hãng hàng không Bamboo Airways đã quyết định dừng khai thác các đường bay từ Hà Nội và Tp.HCM tới một số điểm như Huế, Đồng Hới, Côn Đảo… khiến cho nhiều du khách muốn đặt tour phải tìm giải pháp khác, đặc biệt là với đường bay Hà Nội - Côn Đảo vốn được du khách rất quan tâm.
Không chỉ vậy, nhiều chặng bay như Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Lạt, Hà Nội - Phú Quốc, giá vé máy bay trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, đều tăng cao hơn khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 120% - 160% so với giá ngày thường.
Cụ thể, khai thác đường bay Hà Nội - Tp.HCM ngày 28/4 - 1/5, hãng hàng không Vietnam Airlines giá vé máy bay một chiều có giá dao động từ 2,5 triệu đồng - 3,2 triệu đồng/vé phổ thông; Giá vé máy bay hạng thương gia có giá từ 7,5 triệu đồng - 9 triệu đồng.
Tương tự, giá vé máy bay của hãng hàng không Vietjet có giá giao động từ 1,6 triệu - 5 triệu đồng/ tùy vào từng loại vé của hãng.
Giá vé máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways có giá giao động từ khoảng 2,5 triệu - 3 triệu đồng/ chiều. Đây là giá vé máy bay các hãng hàng không đã tính đầy đủ các loại thuế phí.
Hiện tại, Hà Nội là điểm đi có giá vé đang rất "hot", giá vé khứ hồi chặng Hà Nội - Nha Trang từ ngày 27/4 -1/5 đang giao động từ 6 đến 8 triệu đồng tùy hãng.
Giá vé thấp nhất là của Vietjet với gần 6 triệu đồng và cao nhất là của hãng Vietnam Airlines với hơn 7,6 triệu.
Một trong những chặng tăng nóng nhất là Hà Nội - Phú Quốc, giá vé khứ hồi chặng này từ ngày 27/4 đạt mức gần 8,6 triệu đồng. Số lượng chỗ ngồi trên những chuyến bay từ địa phương này hiện đang dần cạn, với giá vé một chiều của Vietjet Air và Vietnam Airlines đạt lần lượt hơn 4 triệu đồng và 5 triệu đồng.
Ngoài ra, chặng bay hiện cũng đang được quan tâm là chặng Tp. HCM – Đà Nẵng với giá vé khứ hồi từ 5,2 - 9,5 triệu đồng; Tp. HCM – Phú Quốc 3,6 - 9 triệu đồng.
Đáng chú ý nhất phải phải kể đến chặng Hà Nội - Tp.HCM khi vé khứ hồi hạng thương gia chặng này của hãng Vietnam Airlines lên tới gần 18 triệu đồng, của Vietjet cũng lên tới gần 17 triệu.
Lý giải về việc giá vé máy bay tăng cao mỗi dịp lễ, dẫn tin từ VnExpress, Wander Secure, chuyên gia đến từ nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Aeronfly có trụ sở tại Ấn Độ, đưa ra 8 nguyên nhân cho vấn đề này.
Nhu cầu gia tăng
Các dịp lễ hội như Giáng sinh, năm mới và các ngày lễ khác là thời điểm nhiều người muốn đi du lịch nhất vì được nghỉ dài ngày. Họ muốn đi tham quan, xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng hoặc đoàn tụ gia đình, dành thời gian bên người thân. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao đã đẩy giá vé lên cao.
Số lượng ghế có hạn
Các hãng bay có số lượng ghế nhất định trên mỗi chuyến bay. Trong thời gian nghỉ lễ những ghế này được nhiều hành khách tìm đặt cùng lúc. Số ghế trống sẽ được lấp đầy nhanh chóng và các hãng bay có thể tính giá cao hơn cho số ghế còn lại.
Nhiều người mua vé trước
Nhiều du khách lên kế hoạch trước cho chuyến đi dịp nghỉ lễ vì quan điểm mua trước 2-3 tháng giá vé sẽ rẻ hơn mua cận ngày, dẫn đến số ghế trống ít đi. Nhiều hãng bay thường áp dụng chiến lược định giá linh hoạt để tăng giá vé khi ngày khởi hành đến gần và khi nhu cầu tăng lên.
Phí mùa cao điểm
Các hãng hàng không thường chỉ định một số khoảng thời gian nhất định trong năm là "mùa cao điểm" hoặc "nghỉ lễ", giá vé thời điểm này sẽ cao hơn.
Chi phí hoạt động
Các hãng bay có thể phải chịu chi phí vận hành cao hơn khi bước vào mùa cao điểm du lịch. Lượng khách đông dẫn đến các hãng phải thuê thêm nhân viên, xử lý khối lượng hành lý nhiều hơn và cung cấp các dịch vụ bổ sung. Những chi phí phát sinh này có thể được chuyển sang hành khách thông qua giá vé.
Quy luật cung cầu
Quy luật này đóng vai trò quan trọng trong việc định giá vé. Khi nhu cầu cao các hãng bay linh hoạt hơn trong việc tính giá cao vì du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có ngày bay, điểm đến vừa ý trong chuyến du lịch.
Các tuyến theo mùa
Nhiều hãng hàng không thường khai thác các chặng bay đặc biệt theo mùa để phục vụ nhu cầu du lịch dịp lễ hội. Những tuyến đường này có thể bị hạn chế về số lượng và đắt hơn do tính chất tạm thời.
Thông lệ của ngành
Ngành hàng không đã áp dụng các chiến lược quản lý doanh thu liên quan đến điều chỉnh giá vé dựa trên các yếu tố như thời gian đặt vé, mức độ phổ biến của đường bay và thời gian bay. Họ sẽ sử dụng các thuật toán để tối đa hóa doanh thu. Do đó việc tăng giá mùa cao điểm được cho là "điều bình thường".
Bên cạnh đó, các chuyên gia du lịch cũng đưa ra mẹo để du khách có thể mua được vé tốt nhất trong mùa cao điểm như đặt vé trước để có cơ hội mua vé rẻ hơn, linh hoạt ngày và giờ bay, sử dụng các trang web và ứng dụng so sánh giá để tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất, đăng ký nhận thông báo giá vé từ các hãng bay và đại lý du lịch để biết trước thời điểm nào giá rẻ.
"Giá vé máy bay có thể cao hơn trong mùa lễ hội nhưng niềm vui được dành thời gian bên những người thân yêu có thể khiến chi phí bỏ ra trở nên đáng giá", Wander Secure nói.