Một bệnh nhân ngộ độc Pate Minh Chay đã có thể ngồi dậy

Theo thống kê, ngoài 2 bệnh nhân nặng là vợ chồng, các bệnh nhân khác có triệu chứng nhẹ hơn như sụp mi, mệt mỏi... Những bệnh nhân này đang được tiếp tục theo dõi, không có nguy cơ tiến triển nặng.

Với trường hợp hai vợ chồng (chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi) đang được điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, sau khi được tiêm thuốc giải độc trị giá 8.000 USD/lọ nhập khẩu từ Thái Lan, bệnh nhân nữ có tiến triển tốt, đã tự ngồi dậy, mở mắt, há miệng bình thường.

Bệnh nhân nam vẫn liệt cả tay chân, phải thở máy và tiếp tục được theo dõi. Theo các bác sĩ, tình trạng thở máy ở các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum nặng có thể kéo dài 2 – 3 tháng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, vi khuẩn Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn yếm khí, thường có ở thực phẩm đóng kín trong chai lọ, túi… Từ đó, vi khuẩn phát triển sinh ra độc tố, đặc biệt ảnh hưởng, tổn thương thần kinh, gây liệt cơ, đặc tính gây liệt nặng nề, kéo dài, có thể phải thở máy nhiều tháng, trong thời gian đó bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Trên thực tế, vi khuẩn này có mặt ở nhiều loại thực phẩm như rau củ, đậu lên men… nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm vi khuẩn sẽ phát triển, sinh ra độc tố. Với các sản phẩm tự đóng bằng tay, đóng gói thủ công sẽ không có quy trình tiệt khuẩn, nên khi đóng kín hộp sẽ tạo môi trường có vi khuẩn, mà trong đó có vi khuẩn yếm khí sinh sôi phát triển con người ăn phải dễ dẫn đến ngộ độc. Chính vì thế, với các sản phẩm đóng hộp thủ công nên cẩn trọng, trong trường hợp ăn cần phải nấu chín.

Nếu ăn phải thực phẩm có độc tố Botulinum, bệnh nhân có thể có thời gian ủ bệnh trung bình từ 12 – 36 tiếng. Tuy nhiên, có những bệnh nhân biểu hiện tối đa tới 8 ngày sau khi ăn.

Bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo, nếu đã ăn Pate Minh Chay, người tiêu dùng cần theo dõi sức khỏe. Nếu có tình trạng bất thường phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, sàng lọc cấp cứu.

"Các bệnh nhân nên bình tĩnh, trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay, không cần tới Bệnh viện Bạch Mai hay bệnh viện tuyến trung ương ngay mà nên khám tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Trong trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị tại chỗ, nếu bệnh nặng thì các bệnh viện có thể tổ chức hội chẩn hoặc chuyển tuyến khi cần thiết" - bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo.

Bên cạnh đó, người bệnh không nên đổ bỏ thực phẩm dư thừa mà giữ lại để đưa đến bệnh viện xét nghiệm.