Nữ bệnh nhân bị liệt toàn thân do ngộ độc sau ăn pate Minh Chay
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới xác nhận với báo chí, có 2 ca nhiễm độc tố botulinum đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn của bệnh viện.
Hai bệnh nhân là chị em, nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó nuốt, không há miệng được. Sau hơn 2 tuần điều trị, người em hồi phục tốt hơn, hiện đã cai máy thở. Người chị hiện đang tiếp tục thở máy.
TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, từ ngày 24/7 đến 30/7, đơn vị tiếp nhận 5 bệnh nhân nhập viện, cấp cứu sau khi ăn phải sản phẩm pate Minh Chay. Trong đó, 2 vợ chồng ở Khánh Hòa, và nhóm 3 người bạn bè ngụ tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo bệnh sử, cả 5 người vừa nêu đều đã ăn pate Minh Chay.
Hầu hết bệnh nhân bị sụp mi mắt, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi, phải thở máy.
Hiện, bệnh nhân nữ, ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị liệt toàn thân đang phải thở máy. Trong 9 bệnh nhân ghi nhận bị ngộ độc botulinum, có 2 người nhập Bệnh Viện Bạch Mai (Hà Nội)
Vi khuẩn Clostridium botulinum gây hại như thế nào đối với sức khỏe người dùng?
Theo chuyên gia dinh dưỡng BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu, thực phẩm được bảo quản không đúng cách là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nhiễm khuẩn, trong đó có thể nhiễm Clostridium botulinum gây bệnh ngộ độc thịt. Muối cá không đủ mặn hoặc độ axit của nước muối có chứa axit acetic và nồng độ natri cao, cá hun khói được lưu trữ ở nhiệt độ quá cao cũng giống như việc đóng hộp thực phẩm không đúng cách sẽ gây nguy cơ ngộ độc cao.
Gọi là "ngộ độc thịt" nhưng ngoài các sản phẩm từ một số rau củ quả đóng hộp cũng có nguy cơ gây “ngộ độc thịt” nếu không được đóng hộp đúng quy chuẩn, bị bung, hở hộp khiến vi khuẩn Clostridium botulinum xâm nhập.
Theo ghi nhận, các thể bệnh do C. botulinum, gồm:
- Nhiễm khuẩn từ thức ăn: do ăn phải thực phẩm có nhiễm đôc tố C. botulinum, thường là ở rau củ, nước sốt, thịt, hải sản đóng gói thủ công.
- Nhiễm đôc tố botulinum ở nhũ nhi: khi trẻ ăn phải bào tử C. botulinum, sau đó bào tử nảy nở và sinh đôc tố trong ruột. Mật ong chính là nguồn chứa bào tử C. botulinum thường gặp. Vì vây, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trẻ dưới 1 tuổi không nên sử dụng mât ong tươi.
- Nhiễm từ vết thương
- Nhiễm từ đường ruột ở người lớn, cơ chế như ở trẻ nhũ nhi.
- Nhiễm độc tố qua đường hô hấp: hiếm, thường gặp ở nhân viên phòng thí nghiệm.
BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu cho biết, độc tố từ Clostridium botulinum là độc tố thần kinh, do đó đặc trưng của nó là gây liệt thần kinh cơ. Triệu chứng của nhiễm độc tố tiêu hóa bắt đầu trong vòng 6-36 giờ, nhưng cũng có thể sau 6-8 ngày, thời gian ủ bệnh rút ngắn hoặc kéo dài tùy theo lượng độc tố đưa vào. Triệu chứng bao gồm nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nuốt khó, khô miệng, buồn nôn, yếu cơ xuống dần ở cả cơ thể. Trường hợp nặng có thể gây liệt cơ hô hấp và gây tử vong.
Ở nhũ nhi, độc tố có thể gặp là ngủ gà, táo bón, khó bú, khó nuốt, khóc yếu.
Nhiễm từ vết thương có triệu chứng giống như từ thức ăn nhưng trong khoảng 7-14 ngày sau nhiễm trùng. Thời gian ủ bệnh lâu hơn vì cần đủ khoảng thời gian cho vi khuẩn tăng sinh và tiết ra đủ lượng số lượng độc tố.
Ở nhiệt độ thích hợp, không có oxy, ẩm ướt và pH acid yếu ( pH> 4,6), bào tử Clostridium botulinum biến đổi lại thành vi khuẩn và phát triển, tiết ra độc tố botulinum.
Có 7 chủng Clostridium botulinum. Vi khuẩn gây bệnh ở người thường là Clostridium botulinum týp A, B, E và F.
Theo thông tin khẩn cấp từ Cục An toàn thực phẩm, Clostridium botulinum phát hiện có trong pate Minh Chay thuộc týp B.