Vỡ tử cung tai biến rình rập mẹ bầu từng mổ sinh
Nguy hiểm vì nguy cơ vỡ tử cung
Mới đây, chị Lê Thị L. (24 tuổi, trú tại xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) được gia đình đưa đi cấp cứu vì vỡ tử cung khi mang thai lần hai được 18 tuần. Khi nhập viện, chị L. được đưa tới cấp cứu từ Bệnh viện đa khoa Kim Xuyên lên Bệnh viện tỉnh Tuyên Quang. Bệnh nhân được chẩn đoán vỡ tử cung thai 18 tuần do chửa góc sừng tử cung, mổ đẻ cũ 18 tháng kèm theo sốc mất máu nặng, tiên lượng tử vong cao.
Các bác sĩ đã phải mổ mở ổ bụng cho sản phụ. Khi đó, bác sĩ thấy tử cung đã bị vỡ ở góc sừng trái, hút ra gần 2000ml máu đông và máu cục và khẩn trương phẫu thuật khâu cầm máu bảo tồn tử cung, vừa hồi sức tích cực và truyền bổ sung 8 đơn vị máu.
Trước đó, chị Cao Thu H. (trú tại Hải Phòng) cũng bị vỡ tử cung khi mang thai lần thứ ba trên vết mổ đẻ cũ được 22 tháng. Chị H. bị đau bụng, chảy máu kèm theo vỡ ối nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, các bác sĩ chẩn đoán chị bị vỡ tử cung trên vết mổ đẻ lần trước. May mắn, bác sĩ đã phải mổ cấp cứu cho bệnh nhân và cứu được cả mẹ và con. Sức khoẻ hai mẹ con chị ổn định sau khi mổ.
Tại Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ cũng thường xuyên gặp trường hợp chị em bị chửa trên vết mổ đẻ gây vỡ tử cung.
Trường hợp chị Vũ Thị Quyên (Thanh Xuân, Hà Nội) được gia đình đưa vào cấp cứu vì đau bụng, xuất huyết âm đạo, sốt cao. Tại đây, bác sĩ phát hiện bệnh nhân chửa trên vết mổ cũ, thai được khoảng 7 tuần. Tuy nhiên, nhau thai đã ăn thủng vết mổ tử cung cũ ra ngoài gây vỡ tử cung, máu chảy nhiều trong ổ bụng.
Chị Quyên đã được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu. Theo chị Quyên, chị mổ đẻ từ 5 năm trước và chưa có kế hoạch sinh thêm con vì chị đã có hai cháu. Gần đây, chị cũng không có triệu chứng gì khác của bà bầu nên không nghĩ mình có thai.
Khi thấy đau bụng, xuất huyết, máu ộc ộc ra, chị còn nghĩ do chậm kinh nên máu nhiều hơn bình thường. Đến khi đau bụng quá kèm theo sốt cao, máu chảy nhiều, chị bị mất máu nên choáng váng, gia đình đưa vào viện cấp cứu mới biết chị chửa trên vết mổ cũ.
Tai biến nguy hiểm
Theo bác sĩ sản khoa Trần Văn Hùng, nguyên giảng viên bộ môn sản trường Đại học Y Hà Nội, với những người đã mổ đẻ một lần thì lần mang thai sau có nhiều nguy cơ hơn. Đặc biệt là khoảng cách các lần mang thai quá ngắn chưa được trên 2 năm thì nguy cơ thai phát triển trên vết sẹo cũ rất lớn.
Nhiều trường hợp thai phát triển ngay trên vết mổ nếu ở giai đoạn sớm gây chảy máu nặng và phải hủy thai. Nếu thai không gây chảy máu, không phát hiện sớm thì thai tiếp tục phát triển, nhau thai có thể gây hiện tượng nhau bám thấp hoặc nhau cài răng lược do gai rau đan xen vào cơ tử cung.
Có trường hợp thai phát triển trên vết mổ, nhau thai cấy sâu vào cơ và lớp mô sợi ở tử cung tại vết mổ cũ. Khi đó, gai nhau thai phát triển gây nên nhau cài răng lược thậm chí gai nhau xuyên thủng tử cung xâm lấn vào hố chậu gây chảy máu dữ dội dẫn đến tử vong.
Còn trường hợp không phải thai phát triển trên vết mổ cũng có nguy cơ tai biến bục vết sẹo mổ cũ là tai biến sản khoa thường gặp ở những phụ nữ đã từng phẫu thuật lấy thai.
Bác sĩ Hùng cho biết tai biến bục sẹo mổ cũ tử cung trong thai kỳ thường xảy ra khi chuyển dạ sinh, đặc biệt khi có cơn co mạnh hoặc lúc rặn sinh nên các bác sĩ thường khuyến cáo đã mổ sinh lần đầu thì các lần tiếp theo đều phải mổ sinh, thai phụ không thể tự rặn được.
Dấu hiệu để nhận biết tình trạng này là bệnh nhân sẽ thấy đau nhói ở vùng tử cung thường ở chỗ vết mổ cũ gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và con. Vì vậy, mẹ bầu cần phải lưu ý để theo dõi hàng ngày.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo khoảng thời gian an toàn cho lần sinh tiếp theo sau mổ đẻ khoảng 3 năm. Nếu mang bầu ở khoảng cách dưới 1 năm nguy cơ bị bục vết mổ cũ là rất lớn vì sẹo chưa liền tốt.
Khi có thai, chị em cần phải tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra, siêu âm, chẩn đoán sức khỏe thai nhi và vị trí thai nhi làm tổ tránh các nguy cơ trên.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.