Ngày 11-12, Bệnh viện Nhân dân Gia định thông tin nơi đây vừa được Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) trao chứng nhận vàng về điều trị suy tim. Đây là cơ sở đa khoa đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận này.

TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết giải thưởng vàng là dấu mốc quan trọng của bệnh viện, giúp người bệnh suy tim được theo dõi, điều trị theo chuẩn quốc tế.

AHA là một trong những tổ chức hàng đầu đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý tim mạch toàn thế giới. Tiêu chuẩn đạt chứng nhận từ AHA rất khắt khe, bao gồm bảo đảm phần trăm người bệnh suy tim tuân thủ thuốc điều trị, đánh giá theo dõi sau xuất viện, cập nhật tình trạng sức khỏe thường xuyên.

Những tiêu chí này phải đạt được với ít nhất 85% bệnh nhân suy tim và duy trì kết quả trong 24 tháng trở lên. Các chứng nhận này được phân cấp đồng - bạc - vàng. Trước đó, Bệnh viện Gia Định đã lần lượt nhận chuẩn đồng và bạc.

Bệnh viện Nhân dân Gia định được Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) trao chứng nhận vàng về điều trị suy tim. Ảnh: BVCC

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Trương Mỹ Dung, Phó khoa Nội tim mạch, cho biết suy tim là hậu quả sau cùng trong chuỗi bệnh lý tim mạch, từ bệnh thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường... đến phức tạp như nhồi máu cơ tim.

Từ tháng 6-2020, Bệnh viện Gia Định thành lập đơn vị suy tim nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu cho bệnh nhân.

Năm 2021, khoa tham gia dự án điều trị suy tim theo chuẩn AHA, giúp người bệnh được điều trị, theo dõi với tiêu chuẩn quốc tế và tiếp cận các tiến bộ y khoa.

Suốt 3 năm qua, mô hình này tối ưu hóa điều trị nội khoa suy tim theo khuyến cáo về loại thuốc, liều thuốc, qua đó cải thiện triệu chứng và giảm tái nhập viện.

Việt Nam chưa có thống kê về bệnh suy tim trong cộng đồng, tuy nhiên với mức độ già hóa dân số và số lượng người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tăng dần thì có thể tỷ lệ suy tim tăng trong thời gian tới.

Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Tỉ lệ tử vong trong vòng 5 năm từ khi chẩn đoán có thể lên đến 67%, cao hơn cả các bệnh ung thư. Nguy cơ tử vong còn tăng thêm sau mỗi đợt tái nhập viện.

Điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, định kỳ bởi đội ngũ y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, nhằm cải thiện kỳ vọng sống và chất lượng cuộc sống.