Dẫn tin từ báo Pháp luật Việt Nam, Công an TP HCM cho biết, tháng 7/2024, cơ quan này đã phát đi thông báo về thủ đoạn trên. Đến nay, qua công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của người dân, Công an Thành phố phát hiện các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, tống tiền nhằm vào người có địa vị xã hội, điều kiện kinh tế với thủ đoạn tương tự.
Để tránh trở thành nạn nhân, Công an Thành phố đã đưa ra khuyến cáo với 4 nội dung để người dân tự bảo vệ:
Theo dõi thông tin: Nâng cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, cập nhật nội dung tuyên truyền từ các trang chính thống về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo.
Bảo mật thông tin: Cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng (không chia sẻ thông tin cá nhân, hình thẻ căn cước, bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe hoặc các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân của mình và người khác lên mạng xã hội…).
Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn (link) website “lạ”, không rõ nguồn gốc (có thể được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email); chỉ cài đặt các ứng dụng trực tuyến từ nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại (như: App Store của IOS hay CH Play của Android). Luôn ý thức bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tài khoản cá nhân, địa chỉ cơ quan, nơi ở, nơi làm việc… đặc biệt là những hình ảnh “nhạy cảm” có thể bị lợi dụng để cắt ghép.
Xác thực thông tin: Khi gặp tình huống nhận được yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan các loại tài khoản hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại dùng để đăng ký tài khoản và yêu cầu chuyển khoản… hoặc khi thực hiện các giao dịch qua điện thoại thì phải hết sức cảnh giác, lưu ý kiểm tra kỹ tất cả các thông tin liên quan hoặc tham khảo ý kiến người thân, bạn bè... trước khi thực hiện việc giao dịch. Luôn kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin trước khi chia sẻ hoặc tương tác. Luôn cẩn trọng khi tiếp nhận thư từ, các cuộc gọi, tin nhắn nguồn gốc không rõ ràng.
Báo cáo thông tin: Nếu bị lừa đảo hoặc nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần trình báo, cung cấp thông tin đến cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý.
Trước đó, dẫn tin từ VTV, Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện một số đối tượng sử dụng công nghệ cao, cắt ghép hình ảnh khuôn mặt đưa vào các hình ảnh, clip có nội dung "nhạy cảm" để đe dọa tống tiền.
Theo điều tra, đối tượng thường tìm kiếm thông tin, số điện thoại, hình ảnh, các mối quan hệ của nạn nhân, thường là người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, trong đó có một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… từ nhiều nguồn khác nhau.
Kẻ xấu sử dụng phần mềm công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo cắt ghép khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh từ các clip trên Internet có nội dung nhạy cảm thể hiện việc nạn nhân đang quan hệ tình dục trong nhà nghỉ, khách sạn.
Đối tượng còn giả chụp ảnh từ clip quay được tại hiện trường bằng cách dán biểu tượng nút play vào giữa ảnh hoặc dùng điện thoại quay lại ảnh đã cắt ghép.
Đối tượng kèm hình ảnh nhạy cảm đã được cắt ghép, chỉnh sửa gửi cho nạn nhân yêu cầu chuyển từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng hoặc ví tiền ảo (USDT) do chúng chỉ định để chuộc lại các clip, hình ảnh này.
Nếu nạn nhân không chịu giao số tiền, chúng dọa sẽ chuyển tất cả các ảnh và clip đã thu thập được lên các trang mạng xã hội, website có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc dán hình ảnh xung quanh nơi nạn nhân ở và làm việc, đồng thời tố cáo tới gia đình, cấp trên và cơ quan liên quan để cho nạn nhân "thân bại danh liệt".
Khi có trường hợp nạn nhân do lo sợ, liên lạc với đối tượng, các đối tượng sẽ hướng dẫn mua tiền điện tử và chuyển đến các tài khoản ví điện tử theo chỉ định, sau đó sẽ chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, đơn vị đã ghi nhận nhiều trường hợp cán bộ, doanh nhân, người dân nhận được các tin nhắn, thư điện tử có nội dung đe dọa như trên. Do quá lo sợ, có trường hợp đã chuyển tiền cho đối tượng để "mua" sự bình yên.