Viêm VA ở trẻ là bệnh gì?

Viêm VA (viết tắt từ thuật ngữ tiếng Pháp Vesgestation Adenoides) hay còn gọi là bệnh sùi vòm mũi họng thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. VA là tổ chức lympho ở vùng mũi họng, trong khi đó amidan là một khối thịt cấu tạo từ các hạch bạch huyết. VA xuất hiện khi trẻ vừa chào đời với độ dày từ 2 – 3mm, không ảnh hưởng đến quá trình hô hấp.

Bộ phận VA vùng mũi họng ở trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Khối VA sẽ phát triển khi trẻ được 6 tháng tuổi, phát triển nhanh trong giai đoạn trẻ từ 2 - 5 tuổi và sẽ teo dần khi trẻ đến tuổi dậy thì. Một số tường hợp trẻ bị viêm VA kéo dài sẽ tồn tại đến khi tưởng thành.

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương – Giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, cho biết tình trạng viêm VA xuất hiện ở trẻ khi bị viêm mũi họng kéo dài tái phát thường xuyên khiến dịch tiết mũi họng chảy xuống kích thích vòm họng tạo ra những lỗ sùi làm choán thành sau của họng.

VA bị viêm khiến bé khó thở khi ngủ kèm theo nhiều dấu hiệu viêm đường hô hấp trên khác - Ảnh minh họa: Internet

VA sẽ làm cản trở đường thở trên của trẻ. Hậu quả là trẻ phải há miệng ra thở, ngủ ngáy và thường xuyên chảy mũi. Thời gian dài sẽ làm biến dạng sọ mặt trẻ em.

Triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm VA ở trẻ em

Giai đoạn ban đầu, trẻ bị viêm VA sẽ có triệu chứng sốt cao từ 38 – 39 độ C kèm theo hiện tượng chảy nước mũi, nghẹt mũi, quấy khóc, biếng ăn, hơi thở có mùi hôi. Trẻ còn có hiện tượng nôn mửa, rối loạn tiêu hóa.

Trẻ mới bị viêm VA sẽ sốt cao, khó thở, biếng ăn, quấy khóc - Ảnh minh họa: Internet

Nếu không điều trị kịp thời, viêm VA cấp tính ở trẻ sẽ chuyển sang mạn tính với các dấu hiệu trẻ thường xuyên chảy mũi và nghẹt mũi trong thời gian dài; trẻ bị nghẹt mũi hoàn toàn hoặc phải thở bằng miệng. Viêm VA có thể biến chứng thành các bệnh viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm mũi xoang, áp xe thành sau họng hoặc tăng trưởng sọ mặt.

Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết thực chất VA chỉ là một khối dư bất hưởng cản trở đường hô hấp. Trẻ trên 18 tháng bị viêm VA bác sĩ có thể chỉ định nạo VA. Phương pháp nạo VA có thể sử dụng theo cách dùng thìa nạo, nội soi, dùng thiết bị cắt hút hoặc nạo bằng năng lượng điện sóng cao tầng.

Để phòng tình trạng viêm VA ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung nhiều dưỡng chất giúp con tăng cường sức đề kháng, đảm bảo môi trường sống vệ sinh, an toàn - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp trẻ bị viêm VA nhẹ, chỉ cần chăm sóc trẻ tốt, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, giữ ẩm cơ thể trẻ… triệu chứng này sẽ dần thuyên giảm, không cần can thiệp phương pháp nạo.