Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng ống tai giữa và thường gặp ở trẻ em. Có rất nhiều trẻ em bị tái đi tái lại viêm tai giữa nhiều lần. Do đó việc chăm sóc khi trẻ bị viêm tai giữa là rất quan trọng

Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em

Về giải phẫu, tai chia làm 3 phần: ống tai ngoài, tai giữa nơi nhiễm trùng xuất hiện, và tai trong nơi có các dây thần kinh và trung tâm giữ thăng bằng. Màng nhĩ chính là nơi phân cách tai ngoài và tai giữa.

Khoang của tai giữa nối với phần sau của mũi thông qua vòi Eustache và ở trẻ nhỏ ống này ngắn hơn và nằm nghiêng. Vì vậy vi khuẩn dễ di chuyển từ mũi và họng lên khoang tai giữa, từ đó gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ em.

Viêm tai giữa ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn người lớn - Ảnh minh họa: Internet

Chứng viêm tai giữa ở trẻ em sẽ có các biểu hiện như sau:

  • Đau tai, đặc biệt là khi nằm hoặc khi kéo tai
  • Quấy khóc nhiều hơn bình thường, cả ban ngày lẫn ban đêm
  • Khó nghe hoặc phản hồi chậm với âm thanh
  • Sốt từ 38 độ trở lên
  • Tai chảy dịch: Nếu nhìn thấy máu hoặc mủ chảy ra từ tai, nhiều khả năng đó là nhiễm trùng tai kèm rách màng nhĩ. Tuy nhiên bố mẹ không nên quá lo lắng vì những vết rách này hầu như sẽ liền lại tốt và khi màng nhĩ rách trẻ sẽ ít cảm thấy đau hơn.

Biến chứng viêm tai giữa ở trẻ em

Hầu hết viêm tai giữa ở trẻ em không gây ra các biến chứng lâu dài nhưng nếu trẻ liên tục bị viêm tai giữa nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:

Thính lực: Mất thính lực nhẹ xuất hiện và biến mất là khá phổ biến với nhiễm trùng tai, nhưng có thể bình phục sau khi hết nhiễm trùng. Tuy nhiên viêm tai giữa nhiều lần sẽ dẫn đến mất thính lực nghiêm trọng hơn. Nếu có một số tổn thương vĩnh viễn cho màng nhĩ hoặc các cấu trúc tai giữa khác, mất thính lực vĩnh viễn có thể xảy ra.

Viêm tai giữa nhiều lần ảnh hưởng đến thính lực của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Chậm nói, chậm phát triển: Nếu thính giác bị suy giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, chúng có thể gặp phải sự chậm trễ trong các kỹ năng nói, xã hội và phát triển.

Lây nhiễm: Nhiễm trùng không được điều trị hoặc nhiễm trùng không đáp ứng tốt với điều trị có thể lan sang các mô lân cận. Nhiễm trùng xương chũm, phần nhô ra sau tai, được gọi là viêm xương chũm. Nhiễm trùng này có thể dẫn đến tổn thương xương và hình thành các nang chứa mủ. Hiếm khi, nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng lan sang các mô khác trong hộp sọ, bao gồm não hoặc màng bao quanh não (viêm màng não).

Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa

Chế độ vệ sinh

  • Tai: Nếu chảy dịch mủ làm sạch tai cho trẻ, không nên lau quá sâu, không dùng bông nút kín tai. Nên để dịch thoát ra ngoài tự nhiên. Không nên để nước vào tai.
  • Mũi và họng: Rửa mũi, súc họng cho trẻ 2-3 lần/ngày bằng nước muối sinh lý ấm

Chế độ ăn uống

  • Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu
  • Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và uống thêm các loại nước hoa quả
  • Đối với trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn cho trẻ bú tăng số lần lên.

Dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ

  • Tuân thủ đúng y lệnh thuốc của bác sĩ bao gồm: Liều dùng, lượng dùng và thời gian dùng.
  • Khi trẻ sốt: Chườm ấm cho trẻ, mặc quần áo mỏng, thấm mồ hôi. Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C

Phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên cho trẻ -  Ảnh minh họa: Internet

Để phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, cha mẹ cần chú ý:

Giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, gan bàn chân khi thời tiết lạnh

Vệ sinh mũi họng sạch sẽ để phòng tránh viêm mũi họng

Bỏ thói quen cho tay vào miệng, ngoáy mũi

Điều trị sớm các bệnh viêm mũi họng, VA, Amidan…

Đảm bảo môi trường sống tránh khói bụi, ẩm mốc, chật chội.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền TP.HCM