Thế nào là viêm dạ dày HP?

Viêm dạ dày HP là trường hợp dạ dày của bạn nhiễm một loại vi khuẩn mang tên Helicobacter pylori (thường được gọi tắt là HP).

Đây là loại vi khuẩn có thể sinh sống và phát triển trong dạ dày người bằng cách tiết ra một loại enzym giúp nó trung hòa độ acid trong dạ dày. Khoảng 50% các ca loét dạ dày trên thế giới là do HP gây ra.

Vi khuẩn HP là viết tắt của chữ Helicobater pylori - Ảnh minh họa: Internet

Vi khuẩn HP gây viêm dạ dày lây qua đường  nào?

Vi khuẩn HP được lây qua 3 con đường chủ yếu sau:

- Đường miệng – miệng: Là đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP, lây lan do tiếp xúc nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa giữa người mắc HP và người lành.

- Đường phân – miệng: Vi khuẩn HP được đào thải qua phân và là nguồn lây lan trong cộng đồng. Nếu bạn có thói quen ăn đồ sống như gỏi, rau sống,… cũng có thể bị nhiễm HP.

- Đường khác: Bạn có thể lây nhiễm do khám chung các thiết bị y tế như nội soi dạ dày, tai mũi họng…

Viêm dạ dày HP có nguy hiểm không?

Các biến chứng liên quan đến nhiễm HP bao gồm:

- Viêm niêm mạc dạ dày: Khi bị nhiễm vi khuẩn HP, dạ dày của bạn sẽ bị kích ứng gây ra viêm, xung huyết niêm mạc. Từ đó khiến bạn có triệu chứng đau bụng, ợ hơi, ợ chua…

- Loét dạ dày: Như đã nói ở trên, 50% số ca loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP. Nguyên nhân là do HP có thể làm hỏng lớp lót bảo vệ dạ dày và ruột non của bạn. Điều này có thể cho phép axit dạ dày tạo ra một vết loét mở.

Khoảng 50% loét dạ dày do vi khuẩn HP - Ảnh minh họa: Internet

- Ung thư dạ dày: Nhiễm H. pylori là một yếu tố nguy cơ mạnh đối với một số loại ung thư dạ dày.

Làm thế nào để biết mình có bị nhiễm HP?

Hầu hết mọi người không nhận ra họ bị nhiễm HP vì triệu chứng thường thầm lặng, không rõ ràng. Do vậy, khi bạn có những cơn đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua thì nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định nguy cơ bị viêm dạ dày HP

Bạn có thể phát hiện được vi khuẩn HP qua những phương pháp sau:

- Phương pháp xâm lấn: Nội soi dạ dày tá tràng. Đây là một phương pháp phổ biến, giá thành vừa phải và xác định nhanh. Đồng thời phương pháp này giúp bạn hiểu rõ tình hình dạ dày hiện tại của mình như có viêm không? Có chảy máu không? Có loét không?

Nội soi dạ dày thường được áp dụng trong chẩn đoán HP - Ảnh minh họa: Internet

- Phương pháp không xâm lấn:

+Test hơi thở: Là phương pháp đắt tiền hơn so với nội soi dạ dày.

+ Tìm HP trong phân hoặc trong máu: Thường ít áp dụng hơn.

Viêm dạ dày HP điều trị như thế nào?

Điều trị viêm dạ dày HP dương tính hiện nay là sự kết hợp điều trị của thuốc kháng sinh và các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm tiết acid dịch vị. Phác đồ dùng 2, 3 hoặc 4 thuốc sẽ phụ thuộc vào từng bệnh nhân và tình trạng bệnh mắc phải, thời gian dùng thường kéo dài 14 ngày.

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc đang ngày càng gia tăng. Do đó, người bệnh cần phải kiên trì dùng thuốc, thăm khám định kỳ thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ.