Khi trẻ còn nhỏ, hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện, điều này dẫn đến trẻ dễ bị tổn thương, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), tiêu chảy và viêm phổi là hai trong số những nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng tính mạng ở trẻ em toàn cầu, với khoảng 1,8 triệu ca mỗi năm.

Rửa tay bằng xà phòng không chỉ là một biện pháp phòng ngừa đơn giản mà còn là một lá chắn mạnh mẽ, có thể bảo vệ trẻ em khỏi 1/3 các trường hợp tiêu chảy và 1/5 các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp.

Các con đường lây nhiễm của mầm bệnh thông qua bàn tay gồm:

  • Chạm vào mắt, mũi và miệng khi chưa rửa sạch tay
  • Ăn uống khi chưa rửa sạch tay
  • Chạm tay vào các bề mặt hoặc đồ vật có mầm bệnh
  • Ho, hắt hơi, xì mũi
  • Chơi với những trẻ khác và dùng chung đồ chơi.

Vì vậy, việc giữ gìn bàn tay sạch giúp ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề về đường tiêu hóa và một số bệnh lý khác ở trẻ em.

Những thời điểm quan trọng cần rửa tay

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thực hiện hai cuộc khảo sát kiến thức về rửa tay trên đối tượng người dân tại 2 phường, xã (năm 2023) và học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông tại 18 cơ sở giáo dục (năm 2024).

Kết quả ghi nhận có đến 81,1% người dân ý thức được tầm quan trọng của việc rửa tay trước khi ăn và con số này tăng lên đáng kể là 95,2% đối với học sinh.

Tuy nhiên, chỉ có 21,8% người dân và 63,3% học sinh nhận thức được việc rửa tay sau khi chạm vào tay nắm cửa hay thang máy - những bề mặt tiếp xúc thường xuyên với nhiều người.

Các thời điểm cần rửa tay

Tỷ lệ đồng ý (%)

Người dân

Học sinh

Trước khi ăn

81,1%

95,2%

Sau khi đi vệ sinh, sử dụng nhà tiêu

86,5%

97,4%

Sau khi trở về từ nơi công cộng (chợ, siêu thị, công viên,…)

61,8%

79,6%

Sau khi chạm vào rác

49,8%

95,2%

Sau chạm vào tay nắm cửa, thang máy

21,8%

63,3%

Sau khi tiếp xúc với vật nuôi

24,1%

91,5%

Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân

26,1%

85,6%

Như vậy, bên cạnh những thời điểm như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi trở về từ nơi công cộng, cả người lớn và trẻ em đều cần tăng cường thói quen rửa tay vào các thời điểm khác như:

  • Sau khi chạm vào tay nắm cửa, thang máy.
  • Sau khi tiếp xúc với vật nuôi (chạm, cho vật nuôi ăn, dọn dẹp chất thải động vật).
  • Trước và sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh có nôn mửa hoặc tiêu chảy tại nhà.
  • Trước và sau khi điều trị vết thương.
  • Trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn, Sau khi thay tã hoặc tắm rửa cho trẻ đã đi vệ sinh.
  • Sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.

Làm thế nào để khuyến khích trẻ rửa tay?

Dạy trẻ rửa tay ngay từ khi còn nhỏ là cách tốt để khuyến khích việc hình thành thói quen lâu dài. Phụ huynh cần khiến cho trẻ cảm thấy thích thú với việc rửa tay bằng cách gắn việc rửa tay vào các hoạt động vui nhộn như giờ ăn nhẹ và dọn dẹp đồ chơi.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tập cho trẻ thói quen đếm hoặc hát một bài hát trong khi rửa tay để đảm bảo trẻ không vội vàng chạy đi. Ngoài ra, thay đổi màu hoặc hương thơm của xà phòng cũng có thể tạo hứng thú cho trẻ.