Tử vong vì chủ quan với bệnh dại

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình Bệnh ghi nhận trường hợp bệnh nhân H.T.T (SN 1987, ở Lâm Thủy, Quảng Bình) tử vong vì bị bệnh dại ngày 14/8.

Theo lời kể của anh H.X (chồng bệnh nhân), đầu tháng 5, chị T. bị chó nhà cắn, ngay sau đó gia đình đập chết chó. Chị T. bị cắn ở gót chân trái, vết thương nông, chảy ít máu. Trong vòng 3 tháng nay chị T. sống khỏe, không có biểu hiện bất thường.

Khoảng đầu tháng 8 (tức 3 tháng sau khi bị chó cắn), chị T. thấy mệt mỏi. Chiều 13/8 gia đình phát hiện bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nhức đầu, sốt, đau bụng, mệt mỏi nên đưa đến bệnh viện thăm khám. Đến 22h cùng ngày bệnh nhân trở nặng và được chỉ định chuyển viện. Tại đây, bệnh viện chẩn đoán chị T. mắc bệnh dại và trả về gia đình trong sáng 14/8, chiều cùng ngày bệnh nhân tử vong.

Đây là một trong số những ca tử vong do bệnh dại năm 2022- năm được Bộ Y tế đánh giá là “dịch bệnh dại tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại”. Bộ cũng cho rằng, nguy cơ bùng phát bệnh này trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn.

Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. 

Biểu hiện bất thường của người mắc bệnh dại

Treo đổi với VietNamNet, Th.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E (Hà Nội) thông tin, bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus dại, lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại nguy hiểm do người bệnh khi đã lên cơn dại có nguy cơ tử vong rất cao. 

Về thời gian ủ bệnh được tính từ khi động vật (chó, mèo, …) cắn đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, thường từ 2-8 tuần. Đôi khi, có người ủ bệnh chỉ trong thời gian ngắn (10 ngày) hoặc thời gian rất dài (1 - 2 năm). Thời gian ủ bệnh càng dài, tiên lượng càng tốt hơn, thời gian ủ bệnh ngắn tiên lượng càng khó khăn. 

Mức độ tổn thương tùy vị trí cắn. Theo đó, vị trí bị cắn càng gần bộ phận cơ quan thần kinh trung ương, tổn thương càng nặng nề hơn. Virus dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương.

Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Sau đó, virus dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại. Ngoài ra, tùy mức độ tổn thương ví dụ tổn thương sâu, chảy nhiều máu thường có biểu hiện lâm sàng nặng hơn.

Về triệu chứng, Ths.BS Cường thông tin, người mắc bệnh dại có biểu hiện bất thường như sợ ánh sáng, sợ nước, sợ tiếng động, tăng tiết nước bọt. “Họ trở nên nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động, … do rối loạn thần kinh thực vật, tăng cảm giác kích thích”, Ths.BS Cường cho biết.

Về phòng bệnh, Ths.BS Cường thông tin, người dân cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho vật nuôi, quản lý chặt chẽ chó, mèo, … hạn chế thả rông. Khi cho chó mèo ra ngoài dường, cần rọ mõm. 

Trường hợp bị chó cắn phải khai thác tiền sử chó đã được tiêm phòng chưa, vết cắn như thế nào. Đồng thời, người dân cần theo dõi sát tình trạng chó trong vòng 10-14 ngày. Nếu trong khoảng thời gian đó chó bỏ đi, ốm hay chết không rõ nguyên nhân, cần có hướng tiêm phòng vắc xin.

“Nhiều người có quan điểm, sau khi chó cắn nếu chó  không có bất thường (ốm, chết, …) sẽ không phải đi tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên điều này là không chính xác, có thể trong cơ thể đã có virus dại tiềm ẩn. Sau một thời gian, virus này mới phát tác vì vậy cần phải theo dõi sát các dấu hiệu bất thường của vật nuôi nghi dại, …”, Ths.BS Cường cho biết.

Cũng theo bác sĩ, tất cả vắc xin tiêm phòng trên thị trường đều đảm bảo do đã được kiểm duyệt, người dân có thể an tâm tiêm phòng để tránh trường hợp đáng tiếc. Ngoài chó, mèo, một số các động vật khác như dơi cũng cẩn thận, không nên chủ quan bởi chúng đều có thể tiềm ẩn virus dại.

Bộ Y tế nêu rõ bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại. 

Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016. 

Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong). 

Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cũng thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận đã có 40 trường hợp tử vong. “Số trường hợp tử vong từ năm 2017 đến năm 2021 vẫn tăng ở 20 tỉnh so với giai đoạn 2011-2016”, WHO tại Việt Nam đánh giá. 

Dại

Bệnh dại là gì? Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường là chó, mèo, khỉ...), đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 2-8 tuần sau khi bị động vật cắn. Các triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, suy nhược, tê liệt, co thắt cơ, nuốt khó, co giật. Tử vong thường xảy ra trong vòng chưa đầy một tuần do liệt hô hấp. Không có thuốc chữa bệnh. Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm chủng.