Cơn gút cấp xuất hiện đột ngột ban đêm, bệnh nhân thức dậy vì đau ở khớp, thường là khớp bàn - ngón chân cái (chiếm tỉ lệ 60% đến 70%).

Khi đó, khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau. Lúc đầu chỉ viêm một khớp, sau đó có thể viêm nhiều khớp.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Hyon K Choi của Đại học British Columbia (Canada) năm 2015, khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn (thường vào buổi sáng sớm) sẽ dẫn đến nguy cơ kết tinh acid uric cao hơn, tạo cơ sở gây ra đau do bệnh gút.

Dấu hiệu bệnh gút thường dễ nhầm lẫn với các bệnh xương khớp, viêm khớp... (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu của Lena Norrbrand và cộng sự vào năm 2017, cho thấy bàn chân và đặc biệt là các ngón chân dễ bị tổn thương do lạnh hơn so với bàn tay và các ngón tay.

Cơ chế là do sự khác biệt về cấu trúc và chức năng của mạch máu. Ở đây có sự co thắt các động mạch và tiểu động mạch ở chân nhiều hơn ở tay khi gặp lạnh, dẫn đến giảm lưu lượng máu ở chân nhiều hơn so với tay. Do đó, có thể thấy các khớp chân có nguy cơ đau do bệnh gút nhiều hơn so với các khớp tay.

BS NGUYỄN TRƯƠNG MINH THẾ - Đại học Y Dược TP.HCM