Vi khuẩn phát hiện ở trẻ ngộ độc sau tiệc Trung thu nguy hiểm thế nào?
Liên quan đến vụ tử vong, ngộ độc hàng loạt sau khi ăn bánh được phát tại buổi tiệc Trung thu của chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức), Sở Y tế TPHCM ngày 5/10 cho biết, 2 trong số các nạn nhân được phát hiện dương tính với vi khuẩn Salmonella khi xét nghiệm PCR phân.
Nhiễm khuẩn Salmonella nguy hiểm thế nào?
Trước đó, các chuyên gia của ngành y tế TPHCM thống nhất nhận định, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo,…).
Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn. Sở Y tế TPHCM lý giải, do tất cả trường hợp ngộ độc đều có triệu chứng giống nhau như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu và CRP (xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm nhiễm) tăng cao…
Vào năm 2022, một vụ ngộ độc xảy ra ở Nha Trang với hàng trăm học sinh ngộ độc sau bữa ăn trưa, khiến một em lớp 1 tử vong, Viện Pasteur Nha Trang cũng phát hiện vi khuẩn Salmonella trong mẫu cánh gà chiên mà các nạn nhân đã ăn.
Vi khuẩn này cùng 2 loại vi khuẩn khác được kết luận là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm trên.
Câu hỏi được đặt ra là Salmonella nguy hiểm thế nào khi đã gây nhiễm độc thức ăn, và người dân có thể nhận diện được việc ngộ độc do vi khuẩn Salmonella gây ra hay không?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ, bác sĩ Châu Tố Uyên, khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, nhiễm khuẩn do Salmonella là một loại nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn. Trong đó, nhiễm trùng chỉ xảy ra ngắn, tiếp theo là các biểu hiện nhiễm độc, chủ yếu là rối loạn tiêu hóa.
Về cơ chế gây bệnh, Salmonella theo thức ăn vào dạ dày ruột, xâm nhập vào tế bào niêm mạc ruột non, rồi sinh sản phát triển mạnh tại đó. Tệ hơn, vi khuẩn này có thể xâm nhập sâu tới các mảng bạch huyết ở thành ruột, có thể vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.
Khi bị phân giải, Salmonella giải phóng các độc tố ruột, gọi là Enterotoxin. Enterotoxin tác động lên trung khu điều hòa nhiệt, gây nên hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc; tác động lên hệ thần kinh thực vật gây tăng nhu động ruột, vã mồ hôi.
Độc tố do vi khuẩn Salmonella sản sinh có tác dụng kích thích niêm mạc ruột tăng đào thải, gây nên triệu chứng đi ngoài phân lỏng.
Những người dễ bị biến chứng nghiêm trọng
Theo bác sĩ Uyên, các biểu hiện trên người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường phát triển từ 6-72 giờ đồng hồ sau khi vi khuẩn bị nuốt vào qua đường ăn uống, gồm: Tiêu chảy với bụng đau quặn thắt, sốt, nhức đầu, thỉnh thoảng bị nôn mửa và bị mất nước (đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi).
Ở một số người khi bị nhiễm Salmonella, dù không có triệu chứng gì nhưng vẫn có thể truyền bệnh cho người khác (gọi là người lành mang trùng).
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella được chẩn đoán dựa trên triệu chứng bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm mẫu phân, mẫu máu để có kết luận chính xác nhất.
Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa nhận định, nhiễm khuẩn Salmonella thường hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người được ghép tạng, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu, khả năng tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng sẽ cao hơn.
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn Salmonella cũng dễ khiến cơ thể bị mất nước.
Hầu hết các trường hợp có cơ địa khỏe mạnh khi ngộ độc thực phẩm nhiễm Salmonella đều có thể phục hồi trong vòng từ vài ngày đến một tuần, mà không cần điều trị phức tạp.
Theo đó, bệnh nhân sẽ bù dịch, điều trị mất nước. Nếu nghi ngờ Salmonella đã xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng hoặc làm suy yếu hệ thống miễn dịch, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh.
Vì triệu chứng ngộ độc khi nhiễm khuẩn Salmonella không đặc thù, bác sĩ khuyến cáo người dân khi có các dấu hiệu như ói, tiêu chảy nhiều, liên tục, đặc biệt là trẻ nhỏ có dấu hiệu lừ đừ, co giật thì không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để kiểm tra, điều trị sớm.
Như đã thông tin, tại chương trình Tết Trung thu của chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức) diễn ra đêm 29/9, bà P.T.U. (quê Cà Mau, tạm trú tại phòng trọ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức), là nhân viên vệ sinh của chung cư đã nhận phần quà gồm 5 bánh su kem nhãn hiệu Givral.
Chiều 30/9, bà U. mang bánh về phòng trọ, cùng hai con sử dụng bánh. Đến sáng 1/10, 3 người có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy. 3 mẹ con đến phòng khám trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) điều trị với chẩn đoán: theo dõi nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hóa và được kê đơn thuốc.
Chiều cùng ngày, bé Q. được gia đình đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh, với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, kê toa thuốc ra về.
Vì tình trạng của bé P.N.Q. không thuyên giảm nên sau đó, bé được đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu khuya 1/10 với tình trạng tím tái toàn thân. Khi vào cấp cứu, bệnh viện xác định cháu bé đã tử vong ngoài viện chưa rõ nguyên nhân.
Ngoài bé Q., hàng chục trường hợp khác ăn bánh su kem trong chương trình trên cũng xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc. Trong đó, có 19 ca nhập viện.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.