Một bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Tiếp tục giám sát, đánh giá dịch tễ

Theo đánh giá của Bộ Y tế và một số chuyên gia dịch tễ, ở nước ta hiện đang có một làn sóng nhỏ dịch Covid-19, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nên không thể lơ là. Các đơn vị chức năng tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch và đang có những đánh giá dịch tễ để có thông tin chính thức cùng các biện pháp ứng phó phù hợp sau khi WHO công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với Covid-19. Trong khi đó, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với Covid-19 là một tin luôn được đón chào. Đây là thời điểm để Việt Nam nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể đối với virus SARS-CoV-2, nhưng đồng thời cần hiểu rằng đây không phải là lúc mất cảnh giác.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), thời gian gần đây, Việt Nam bắt đầu ghi nhận sự gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Độc lực của virus SARS-CoV-2 đã có sự ổn định tương đối, mặc dù vẫn có sự xuất hiện các biến thể mới với mức độ không nghiêm trọng. Cùng với đó, khả năng miễn dịch, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn cầu ngày càng cao; tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Những yếu tố này đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tử vong do dịch Covid-19. Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, bày tỏ, Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu là một xu thế tất yếu. Cùng với 4 virus Corona khác gây bệnh cảm lạnh thông thường, nay SARS-CoV-2 trở thành virus thứ 5 gây cảm lạnh cho con người. “Do đó, thay vì dồn quá nhiều kinh phí, nhân lực để chống dịch Covid-19 thì nên ứng xử như các bệnh lý truyền nhiễm khác, tập trung bảo vệ người nguy cơ. Cùng với đó là tuyên truyền thay đổi ý thức của người dân về các phương thức tự phòng bệnh, phòng ngừa lây lan cho người khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi mắc Covid-19”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Hơn 3 năm kể từ khi xuất hiện và trở thành đại dịch, Covid-19 đã gây ra hơn 650 triệu ca mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 6,66 triệu người trên toàn thế giới.

Cần có chiến lược ứng phó phù hợp

Làm rõ thêm về các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 khi không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng, hiện WHO vẫn nhận định virus SARS-CoV-2 còn tồn tại, đang gây tử vong và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới làm gia tăng ca mắc và tử vong. Vì vậy, đòi hỏi Việt Nam cần có ứng phó phù hợp, phải nghiên cứu, đánh giá để xem xét công bố tình hình dịch Covid-19 cấp quốc gia. “Số ca mắc mới Covid-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, kéo theo số ca nhập viện và tử vong tăng. Dù tình hình dịch vẫn được kiểm soát nhưng vấn đề quan trọng là không nên chủ quan, mất cảnh giác”, PGS-TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến. Ngoài ra, theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế cần sớm đánh giá, xem xét về việc xếp Covid-19 vào danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm B hay vẫn duy trì ở nhóm A. Tuy nhiên, Covid-19 dù thuộc nhóm A hay nhóm B thì việc đánh giá đúng nguy cơ và đưa ra các biện pháp đáp ứng phù hợp là vô cùng quan trọng, giúp kiểm soát dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo từng mức độ. Dựa trên đánh giá nguy cơ của từng giai đoạn, từng thời kỳ, Việt Nam có phương án kiểm soát dịch Covid-19 một cách bền vững, không tốn kém, lãng phí, nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh cũng như bảo đảm được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân.

Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng, Việt Nam chưa nên công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp của Covid-19 ngay vì số ca mắc mới hàng ngày vẫn ở mức khá cao. Ngành y tế nên tập trung các biện pháp đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân và tăng cường bảo vệ đối với nhóm nguy cơ cao. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ: “Chúng ta không bao giờ nghĩ đến chuyện loại bỏ hoàn toàn được Covid-19 mà phải chung sống với nó. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu mọi tác hại của dịch bệnh ở mức thấp nhất”.

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tuy chấm dứt tình trạng khẩn cấp, nhưng WHO cũng đánh giá Covid-19 sẽ hiện diện kéo dài, do đó việc sẵn sàng một kế hoạch quản lý, kiểm soát và phòng ngừa Covid-19 như các bệnh lưu hành khác (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) là rất cần thiết. Trong thời gian tới, ngành y tế TPHCM sẽ chủ động kế hoạch quản lý, kiểm soát và phòng ngừa Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác.

WHO khuyến nghị đưa vaccine Covid-19 vào tiêm chủng quốc gia

Chiều 8-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng chống dịch Covid-19 sau khi WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu. Trả lời báo chí, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, đây không phải là lúc chúng ta nghỉ ngơi, số ca mắc vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vaccine cao nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp.

TS Angela Pratt cũng đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam, trong đó Việt Nam cần duy trì năng lực của quốc gia và hệ thống y tế dự phòng luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình có thay đổi. Tiếp đó, cần đưa tiêm phòng vaccine Covid-19 vào Chương trình tiêm chủng quốc gia và tiêm các mũi tăng cường đặc biệt cho nhóm nguy cơ cao. WHO cũng khuyến nghị Việt Nam nên tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới.