Coi chừng phụ thuộc vào caffeine

Uống cafe vào buổi sáng trở thành thói quen của nhiều người làm văn phòng. Thậm chí nhiều người còn coi cafe là nhiên liệu để vận hành bản thân trong cuộc sống. Tuy nhiên trong cafe chứa caffeine, đây một chất có khả năng tác động tới thần kinh nên khi uống cafe sẽ giúp tăng sự tỉnh táo và hoạt động tư duy hiệu quả hơn.

Bạn Thu Hà (32 tuổi, kế toán của một công ty tại Hà Nội) chia sẻ: "Mình đã hình thành thói quen sử dụng cafe vào mỗi buổi sáng khoảng 5 năm nay. Nếu sáng không sử dụng cafe, bản thân cảm thấy bồn chồn, mệt mỏi và khó tập trung làm việc".

Hay bạn Nguyễn Hùng (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết, khoảng 2 năm nay, mỗi ngày sẽ sử dụng 2 ly cafe vào sáng và đầu giờ chiều làm việc và đã trở thành thói quen khó bỏ.

Thói quen uống cafe khá phổ biến ở dân văn phòng.

Cafe được coi là thức uống khá an toàn cho sức khỏe. Caffeine trong cafe giúp cơ thể tỉnh táo do có khả năng chặn phân tử tín hiệu não adenosine, gây ra sự gia tăng các phân tử tín hiệu khác, chẳng hạn như dopamine và norepinephrine. Từ đó dân văn phòng thường sử dụng cafe để lấy lại năng lượng, giúp tỉnh ngủ trong giờ làm việc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu, trong mỗi ly cafe đều có caffeine làm kích hoạt một số chất hóa học trong não tương tự như cách cocaine và amphetamine gây ra. Mặc dù caffeine không gây nghiện nhưng nó có thể dẫn đến sự phụ thuộc về tâm lý hoặc thể chất, đặc biệt là ở liều lượng cao. Việc thường xuyên nạp caffeine vào cơ thể dường như đóng một vai trò trong sự phụ thuộc.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, caffeine có thể an toàn cho hầu hết người lớn khỏe mạnh khi tiêu thụ giới hạn ở mức 400mg mỗi ngày. Việc lạm dụng caffeine có thể gây ra một số tác dụng phụ mà có thể dễ dàng nhận biết. Caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, từ đó gây ra cảm giác lo lắng và bồn chồn và làm tăng nhịp tim.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng cho rằng, đối với những người tiêu thụ caffeine thường xuyên, khi dừng đột ngột sẽ dẫn đến một vài triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi và tâm trạng chán nản. Ngoài ra caffeine làm thu hẹp các mạch máu trong não do vậy khi bạn ngừng tiêu thụ, các mạch này lại nở ra và có thể gây đau đầu.

Dấu hiệu khi bị say cafe

Cafe là một nguồn cung cấp năng lượng rất tốt, thế nhưng khi uống quá nhiều và không đúng thời điểm lại vô cùng có hại.

Khi nạp quá nhiều cafe, caffeine có thể kích thích hệ thần kinh trung ương gây ra cảm giác lo lắng và bồn chồn và làm tăng nhịp tim, một số biểu hiện có thể xảy ra như run tay, đánh trống ngực, lo lắng. Trường hợp sử dụng quá nhiều cafe trong ngày, cơ thể không thích nghi được sẽ có tác dụng "tẩy" khiến bạn đau bụng và đi tiêu chảy.

Trường hợp có thể thấy rõ nhất là mất ngủ, đau đầu, khó ngủ hoặc tỉnh giấc vào giữa đêm. Caffeine có thể ở trong cơ thể khoảng 14 giờ, trung bình thời gian tác dụng kéo dài khoảng 6 giờ sau khi sử dụng. Do vậy giới văn phòng không nên uống cafe vào cuối buổi chiều hay tối để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.

'Thời điểm vàng' uống cafe tốt cho sức khỏe

Giữa buổi sáng là thời điểm tốt nhất để uống cafe. Nhiều người có thói quen uống một ly cafe ngay sau khi thức dậy, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, bạn nên lùi thời điểm đến giữa buổi sáng, bởi caffeine có thể làm tăng nồng độ cortisol – hormone gây căng thẳng trong cơ thể.

Nồng độ cortisol thường tăng cao khoảng 30 – 45 phút khi bạn thức dậy giúp đem lại cảm giác tỉnh táo vào khung giờ này, vì vậy uống cafe ngay sau thức dậy là không cần thiết, nên uống vào khoảng thời gian từ 9 – 11h.

Trước khi tập thể dục 30 phút cũng là thời gian lý tưởng. Uống cafe trước khi tập thể dục là biện pháp đơn giản cải thiện khả năng tập trung và tăng khả năng tập luyện. Cafe còn giúp cơ thể giảm cơn đau cơ bắp sau khi tập luyện.

Sau khi bị mất ngủ, uống cafe giúp bạn đạt được trạng thái tỉnh táo. Lưu ý đây chỉ là giải pháp tạm thời, không uống cafe ngay trong hoặc sau bữa ăn.

Không uống cafe khi dạ dày rỗng, ảnh hưởng tiêu cực đến nồng độ cortisol.

Bên cạnh khả năng giữ tỉnh táo, cafe còn gây mất ngủ nên hạn chế uống cafe quá muộn.