Uống từ 3 cốc cà phê trở lên mỗi ngày có thể làm rối loạn chức năng thận. Ảnh: karl_fredrickson.

Cụ thể, nghiên cứu được đăng tải mới đây trên Tạp chí JAMA Network Open từ Đại học Toronto (Canada) và Padova (Italy) đã phát hiện một mẫu gene làm chậm tốc độ chuyển hóa caffeine cùng việc uống từ 3 cốc cà phê trở lên mỗi ngày có thể tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận tới 2,7 lần thông thường.

Theo đó, khoảng một nửa lượng người tham gia nghiên cứu có xuất hiện biến thể rs762551 của mẫu gene CYP1A2 - biến thể gene khiến những người này chuyển hóa caffeine chậm hơn, từ đó tăng nguy cơ gây tổn thương thận.

Nhóm tác giả cũng nhấn mạnh số lượng người xuất hiện biến thể gene này trong nghiên cứu khá tương đồng với tỷ lệ này trên thế giới.

Mặt khác, nghiên cứu theo dõi ảnh hưởng của caffeine với chức năng thận thông qua 3 dấu hiệu là albumin niệu, khả năng lọc chất độc và tăng huyết áp

Nghiên cứu quan sát này kéo dài 16 năm với 1.180 người tham gia trong độ tuổi từ 18 đến 45. Tất cả người tham gia nghiên cứu đều bị cao huyết áp giai đoạn đầu.

Tiến sĩ Sara Mahdavi, khoa Y học Cộng đồng và Gia đình, Đại học Toronto, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định: “Chúng tôi khá bất ngờ khi chứng kiến tác động của cà phê đối với nhóm sở hữu biến thể gene di truyền CYP1A2. Trái lại, thực phẩm này hoàn toàn không có ảnh hưởng nào với nhóm không có biến thể gene trên".

Bà lưu ý bên cạnh cà phê, caffeine còn có trong cả các loại đồ uống khác như trà, nước ngọt như coca hay nước tăng lực. Mặt khác, vị chuyên gia cho hay cà phê còn chứa các chất khác và mang lại nhiều ảnh hưởng đối với cơ thể gồm cả lợi và hại.

Nghiên cứu chỉ ra rằng chất này chỉ gây hại ở những người gặp vấn đề về suy giảm khả năng chuyển hóa caffeine. Dù vậy, điều này cũng cho thấy caffeine trong cà phê có thể gây hại cho thận.